Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Tục cưới hỏi của người Tày

Ngày nay, trong cuộc sống mới, tục lệ cưới xin của người Tày ở bản Po Mỏ Thổ, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Điện Biên) tuy có nhiều thay đổi so với trước đây, song vẫn còn giữ được những nghi lễ truyền thống.

Trước đây, hôn nhân người Tày mang tính chất “mua bán” rõ rệt, thông qua việc thách cưới của nhà gái, được đúc kết qua câu tục ngữ “nhinh khai, chài dư”, có nghĩa “gái bán, trai mua”. Họ thường tổ chức hát lượn để thổ lộ tình cảm trong các phiên chợ, hội hè, có trường hợp nên vợ chồng nhưng hôn nhân do cha mẹ sắp đặt vẫn là hình thái chủ đạo.

Ngày nay, trai gái Tày được tự do tìm hiểu và có quyền quyết định hôn nhân của mình. Khi đôi nam, nữ gặp gỡ, tìm hiểu, cảm thấy tâm đầu ý hợp, họ sẽ thông báo cho 2 bên gia đình. Gia đình chàng trai nhờ bà mối đến nhà gái ướm hỏi, nếu nhà gái ưng thuận, sẽ định ngày tốt để 2 bên gia đình gặp mặt. Đây chính là lễ dạm hỏi (khát pu mác), lễ vật dùng trong buổi gặp mặt tuỳ theo điều kiện kinh tế của nhà trai.

Lễ ăn hỏi (khát căm) với ý nghĩa là đã dứt lời, việc cưới xin đã được thống nhất giữa 2 gia đình. Thông thường, lễ này được tiến hành từ 1 đến 2 tháng sau lễ dạm hỏi. Trong lễ này, ông trưởng họ dẫn đầu cùng một số chàng trai đi giúp việc và đem các lễ vật đã thoả thuận từ trước giữa bà mối và nhà gái. Tổ chức lễ này to hay nhỏ tuỳ thuộc khả năng, điều kiện nhà trai và yêu cầu của nhà gái, nhưng phải theo phong tục truyền thống. Trong lễ vật nhà trai đem đến, một tục lệ bắt buộc phải có lợn quay. Kể từ sau lễ này, cô gái tự khâu chăn cho mình để dùng khi về nhà chồng.

Lễ xin định ngày cưới (to căm) có nghĩa là nối lời, khi gia đình nhà trai đã chọn được ngày lành, tháng tốt, ông trưởng họ sang nhà gái thoả thuận, định ngày cưới và nhà gái thống nhất yêu cầu lễ vật trong đám cưới.

Trong lễ cưới chính thức (kinh lẩu luông), lễ vật được nhà trai đem sang nhà gái từ chiều hôm trước. Lễ dẫn cưới gồm có 1 triệu đồng tiền mặt và thực phẩm: 1 con lợn quay, gạo, rượu... trong đó, nhất thiết phải có cá sấy và trứng gà. Lễ đón dâu được tổ chức vào buổi chiều hôm diễn ra đám cưới chính thức. Cô dâu mặc bộ quần áo đen, quấn khăn truyền thống. Theo quan niệm của người Tày: cô dâu trong ngày cưới quan trọng nhất là việc quấn khăn, khăn quấn làm sao phải chặt, đẹp. Chọn người quấn khăn cũng là khâu quan trọng, người được chọn là một phụ nữ khoẻ mạnh, đảm đang, gia đình hạnh phúc, con cái vẹn toàn và biết đối nhân xử thế.

Trước khi đón dâu, bao giờ cũng phải làm lễ cúng tổ tiên. Lễ vật cúng tổ tiên không thể thiếu đôi ga, gồm 1 con trống và 1 con mái, thể hiện cho sự sinh sôi phát triển. Số người đi đón dâu bao giờ cũng là con số chẵn, thành phần đoàn đón dâu bao gồm: ông trưởng họ, bà mối, phù dâu, phù rể cùng một số bạn bè và người thân từ 8 đến 10 người. Theo quan niệm của đồng bào: số chẵn tượng trưng cho điều may mắn.

Sau lễ cưới 3 hôm, đôi vợ chồng cùng bà mối và chị gái hoặc em gái chồng trở về thăm nhà vợ theo một phong tục, gọi là lễ “tao loi tin”. Lễ vật mang theo là đôi gà trống thiến, rượu, gạo... Khi trở lại nhà chồng, sau 3 ngày cô dâu mới được phép đi thăm họ hàng, bà con trong bản.
Theo hanhphuc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét