1. Người Việt ở Ngã Năm
Ngã Năm là
một huyện nằm ở phía Tây, thuộc vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng. Đông giáp
huyện Mỹ Tú và huyện Thạnh Trị. Tây và Nam giáp tỉnh Bạc Liêu. Bắc giáp
tỉnh Hậu Giang.
Địa danh
Ngã Năm cũng có các đặc điểm như các vùng đất phèn chua nước ngập mặn ở
đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng Bạc Liệu – Hậu Giang – Sóc
Trăng nói riêng. Vùng đất này, sông ngòi chằng chịt, hai bên bờ, lá dừa
nước mọc um tùm, cùng với nó là ô rô, cóc kèn, choại, ráng, … Dân cư ở
thành xóm dọc ven sông rạch, … Những lớp cư dân đâu đến đây mở cõi còn
lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo. Một trong số đó là những
cách thức và những kiêng kỵ trong cưới hỏi để trai gái nên vợ thành
chồng. Qua khảo sát điền dã, chúng tôi thu thập thông tin từ các bậc cao
niên trong vùng, xin có vài lời miêu tả để bạn đọc gần xa thưởng lãm.
2. Các nghi thức trong lễ cưới của người Việt xưa ở Tây Nam Bộ
2.1. Cậy mai – mối
Khi trai
gái trong làng, trong xóm lớn lên mười bảy, đôi mươi, một người đứng
tuổi nào đó thấy trai nhà này với gái nhà kia xứng đôi thì học nói cho
nhà trai biết. Nhà trai tìm tới người quen sống gần nhà cô gái nhờ tìm
hiểu tuổi tác cô gái và dọ ý nhà gái. Tuổi đôi trẻ hợp nhau (không kỵ),
và nhà gái đồng ý, họ sẽ nhờ người này đứng ra làm mai. Căn cứ theo
cách tính tuổi của âm lịch người ta thường cho rằng “nhất gái lớn hai,
nhì trai lớn một” là tốt nhất. Những tuổi kỵ nhau không được ăn ở cùng
nhau gồm: “trai lớn hơn gái sáu tuổi”, hoặc “dần, thân, tỵ, hợi”, “thìn,
tuất, sửu mùi”, “tý, ngọ, mão, dậu” – những tứ hành xung cần tránh, …
Sau đó, người làm mai sẽ sang nhà gái đánh tiếng ngỏ lời. Nếu nhà gái
đồng ý thì các nghi thức tiếp theo sẽ tiến hành.
Cần nói
ngay rằng vai trò của người làm mai (có khi ông mai, có khi bà mai) ở
đây là người tác hợp cho lứa đôi, không mang tính “chuyên nghiệp”, không
vụ lợi như ở các vùng miền khác. Họ được nhà trai “cậy” sang hỏi thử
con gái của nhà xóm bên về làm dâu. Ông (hoặc bà) mai nhận lời, nếu kết
quả tốt đẹp thì mọi việc sẽ diễn biến tiếp theo. Không được thì … thôi!
Ở vùng đất
nay, nhiều khi cũng không cần phải đến ai làm mai mốt gì cả, trong đám
tiệc, trên đồng áng, hay khi tát mương, dở chà, … họ đều có thể bày tỏ
suy nghĩ muốn kết sui gia với người hàng xóm ấy, trọng tình người hàng
xóm ấy vui vẻ nhận lời, thế là cha mẹ hai bên tự tiến hành cưới hỏi cho
hai trẻ chứ cũng chẳng cần … ông mai nữa, dân gian còn đó câu ca:
Thò tay ngắt đọt trâm bầu
Anh có thương em thì thương đại, đừng thèm cầu ông mai!
2.2. Coi mắt, coi nhà
Khi người làm mai cho nhà trai hay rằng nhà gái đã đồng ý, nhà trai tiến hành lễ “coi mắt”, dân gian gọi là “đi coi vợ”.
Đi coi vợ
cho con trai thường là mẹ, cha, vài ba người chị, em gái, và chú rể
tương lai. Cũng có khi chỉ chàng rể tương lai, ông (hoặc bà) hoặc chú,
bác (khoảng 2 – 3 người cũng được). Lễ vật để coi mắt là một chai rượu
trắng. Nhà trai đến nhà gái theo ngày giờ nào đó đã định trước. Bên gái
mời một vài người trong họ hàng đến và tiếp nước trà. Trong câu chuyện
râm ran hỏi thăm qua lại, nhà gái cho cô gái ra chào hỏi mời nước họ nhà
trai. Họ nhà trai sẽ “coi mắt” cô dâu tương lai dáng hình, gương mặt.
Cũng trong buổi “coi mắt” này, người trong họ nhà trai – thường là mẹ
chàng trai – tế nhị xin phép ra sau nhà … chơi, mục đích là để “coi”
luôn … cái bếp. Tính ăn nết ở và sự khéo léo của cô gái và gia đình
cũng sẽ thể hiện ở cái bếp. Cái bếp gọn gàng, ngăn nắp chứng tỏ người
con gái giỏi giang, vén khéo có thể trở thành người con dâu đảm đang.
Nếu hài lòng, họ đặt vấn đề xin hỏi cưới cô gái ấy. … Bên nhà gái sẽ hứa
trong vài ba ngày để trả lời. Sau khi nhà trai về, cha mẹ, bà con thân
tộc của cô gái hỏi ý con. Nếu cô gái lắc đầu, cha mẹ thấy chàng rể tương
lai “được” thì thuyết phục, thuyết phục không được thì coi như chuyện
“duyên nợ” không thành. Nếu cô gái ưng bụng gật đầu thì nhà gái cho
người làm mai, hoặc trực tiếp báo tin cho bên trai hay. Lễ “coi mắt” ấy
coi như thành. Nhà trai mời nhà gái sang chơi gọi là lễ “coi nhà”.
Nhà trai sẽ
sang nhà gái một lần nữa. Họ cầm sang một chai rượu trắng ( với chai
ngày coi mắt là thành một cặp rượu ) để mời đại diện nhà gái sang … chơi
“cho biết nhà”. Cha mẹ cô gái cùng một số người nữa, theo hẹn trước sẽ
sang để “coi nhà” bên trai, nơi mà con gái họ sẽ về làm dâu sau này. Khi
ấy, bên trai cũng làm một bữa cơm nhỏ đãi khách. Đám “coi nhà” ngày xưa
thường là để hai họ xem “môn đăng hộ đối” hay không. Tư tưởng phương
Đông vẫn còn sâu nặng trong tâm thức của người Việt. Sau đám “coi nhà”
nếu cha mẹ cô gái không chê “bên trai nghèo” thì coi như đầu đã xuôi,
nhà trai chuẩn bị tiếp tới đám đi chơi.
2.3. Đám đi chơi
Gọi là “đi
chơi” nhưng nhà trai sẽ mang sang nhà gái hai mâm đồ (thường một mâm
rượu, một mâm bánh, trái). Lúc này đã có khay trầu, nhạo rượu để tiến
hành các nghi thức chính thức (chư có khay hộp). Theo ngày giờ định
trước, nhà trai cử trên dưới chục người “đi chơi”. Bên gái chuẩn bị cặp
vịt nấu cháo để đãi. Lễ tiến hành do hai người đại diện cho hai họ, gọi
là trưởng tộc (là người có kinh nghiệm ăn nói, biết nghi lễ), bên trai
có một người, bên gái cũng vây. Nghi lễ tiến hành ở bàn giữa nhà. Trên
là bàn thờ tổ tiên (thường có tranh thờ với bốn chữ Nho: Cửu huyền thất tổ).
Bàn giữa thường có hình chữ nhật, xung quanh kê tám đến mười cái ghế
cây có dựa lưng, gọi là ghế đai. Phía trái, hoặc phía phải của gian nhà
có kê bộ ván ngựa. Ngoài cha mẹ của chú rể và cha mẹ cô dâu còn có một
số người lớn đại diện cho hai họ ngồi để chứng kiến. Chú rể tương lai
đứng khoanh tay phía đầu bàn giữa, nhìn ra cửa. Chén rượu, lá trầu được
mời đại diện hai họ. Nhà trai cũng khéo léo nhờ người làm mai hỏi nhà
gái “đòi” bao nhiêu, liệu có “lo” nổi không? Nhà gái đã chuẩn bị từ
trước nên đưa ra những yêu cầu như “heo”, mâm bàn, tiền, … Nhà trai nghe
và hứa sẽ trả lời tiếp theo sau. Đám đi chơi tiến hành đơn giản như
vậy.
Chú rể
tương lai lúc bấy giờ đã được tự do xuống nhà bếp phụ những công việc
lặt vặt như nhổ lông vịt, nấu nước …( nhưng mục đích chính là để gặp,
tiếp xúc, nói chuyện với cô gái sắp cưới làm vợ ). Sau đó, nhà gái mời
nhà trai chén cháo, ly rượu cùng những lời bàn tính cho đôi trẻ sắp tới.
Xế trưa, nhà trai ra về. Ngày giờ đám nói sẽ được trình sau.
Đám đi chơi
xong, nếu thuận hoà, “lo” khoản nhà gái “đòi” nổi, nhà trai, nhà gái
đều tìm thầy coi ngày (thường người này biết đoán ít nhiều về tướng số,
hay dựa vào sách vở nào đó trên cơ sở tuổi của cô gái và chàng trai) để
định ngày giờ làm đám nói, đám cưới cho đôi trẻ.
Khi từ giã
ra về, nhà trai sẽ bưng mâm không mà trước đó đã mang lễ vật sang về.
Nói là mâm không, nhưng bao giờ nhà gái cũng để lại một ít lễ vật gọi là
“hồi mâm”. Theo đó, nếu nhà gái để hồi mâm ít nghĩa là mọi việc tốt
đẹp, ngầm ý bằng lòng, nếu ngược lại nhà gái hồi mâm hơn nửa mâm trở lên
là ngỏ ý không bằng lòng! Họ truyền khẩu rằng: Mâm còn, mòn mắt, là vì
thế!
Coi được
ngày giờ tốt, nhà trai nhờ người làm mai hoặc tự sang nhà gái trình ngày
đám nói. Sau đó, hẹn ngày “nạp tài” (tức mang tiền hoặc heo sang theo
yêu cầu mà nhà gái đã đưa ra trong đám đi chơi).
Cần bổ
khuyết thêm rằng: nếu nhà trai thấy nhà gái “đòi” nhiều quá, không cưới
nổi thì … thôi! Còn nếu đám đi chơi xong, mà gì một lý do gì đó, nhà gái
“hồi” (tức không đồng ý nữa) thì nhà gái phải hoàn trả lại hai mâm đồ
mà nhà trai đã mang sang.
Khách dự
đám đi chơi thường là bà con thân tộc và một vài ba nhà láng giềng thân
cận của nhà gái và nhà trai. Khách được gia chủ mời bằng “miệng”, một
hình hình thức thông báo đơn giản. Vì là thân tình nên hễ nghe là người
được mời sắp xếp công việc nhà đến dự vui vẻ.
2.4. Đám nói
2.4.1. Nạp tài đám nói
Đám nói
(đám hỏi) diễn ra sau khi hai họ nhà gái – trai thống nhất ngày giờ. Khi
đi sưu tầm điền chúng tôi được nghe ông Năm Diện (ấp Vĩnh Đồng, xã Vĩnh
Quới, Ngã Năm) diễn giải: Theo sách xưa, tháng cưới tùy theo tuổi cô
dâu (đại lợi xuất giá) như sau: Cô dâu tuổi Mẹo, Dậu :- đại lợi tháng
giêng, tháng bảy. (Nhưng tập quán xưa nay hay kiêng cử tháng giêng và
tháng bảy (Ngưu Lang Chức Nữ) nên đổi thành tháng sáu và tháng chạp
(tiểu lợi)/. Cô dâu tuổi Dần, Thân :- đại lợi tháng hai, tháng tám/. Cô
dâu tuổi Tỵ, Hợi :- đại lợi tháng ba, tháng chín/. Cô dâu tuổi Thìn,
Tuất :- đại lợi tháng tư, tháng mười/. Cô dâu tuổi Sửu, Mùi :- đại lợi
tháng năm, tháng mười một/. Cô dâu tuổi Tí, Ngọ :- đại lợi tháng sáu,
tháng chạp (tháng 12), …
Đám nói của
nhà trai và nhà gái khác nhau về qui mô. Thông thường đám nói nhà gái
được tổ chức rất rình rang. Nhà trai thì đơn giản hơn; họ tập trung vào
phần lễ vật sang nhà gái. Nạp tài tức là nghi thức nhà trai mang tiền
sang nhà gái (thường thỏa thuận qua ông, bà mai), ngoài tiền nhà gái còn
“đòi heo” (thường gọi là con nhấm, nói trại đi, vì kêu “heo” nghe dơ!),
nếu là nhắm đứng thì nhà trai phải chở cả con còn đang sống sang. Gặp
bên nhà gái làm khó, đòi heo 100 kg, khi nhà trai mang sang còn thiếu
vài ký thì nhà trai phải bỏ tiền bù thêm. Nhà gái dễ hơn thì đòi “nhấm
nằm”, nhà trai cứ quy ra tiền, nạp đủ là xong.
Khi nạp
tài, bên nhà trai còn cho riêng cô dâu “ít tiền” để cô dâu trang điểm,
mua sắm những vật dụng cần thiết cho những ngày lễ sắp diễn ra.
Số tiền nạp tài còn tùy thuộc vào lượng khách mà nhà trai đi sang nhà gái lúc đám nói.
2.4.2. Nhà trai chuẩn bị lễ vật
Phía nhà
trai, không che rạp, không có chuẩn bị gì nhiều, chiều tối hôm trước chỉ
làm một hai con vịt nấu cháo “nhậu” lai rai cùng anh em láng giềng và
bà con thân tộc. Sáng hôm sau, chỉ nấu mâm cơm cúng ông bà, cho chú rể
tương lai lạy bàn thờ bốn lạy rồi lên đường sang nhà gái.
Nhà trai
chuẩn bị gồm có một khai trầu rượu, trong khai ấy có một cái nhạo đựng
rượu với 2 hay 4 cái chun uống rượu, một đĩa gồm 6 – 8 lá trầu têm vôi
sẵn (không bao giờ là số lẻ), gói cau tươi cẩn thận. Kèm theo đó có hai
cây đèn cây nhỏ để đốt lên cho trưởng tộc trình lễ.
Một khay
hộp có hai cái hộp đồng thau hình ống, có nắp, dùng để đựng nữ trang mà
nhà trai sẽ cho cô dâu và tiền đồng. Nhất thiết nhà gái nào cũng đòi nhà
trai phải nộp sính lễ một đôi bông, bởi người ta quan niệm đời người
con gái thanh tân như một đóa hoa, nên nhà trai phải có đôi bông như một
lời ngợi ca đức hạnh và dung nhan cô gái:
Gió đưa, gió đẩy bông trang,
Bông búp về nàng, bông nở về anh
Người con
gái chưa chồng như hoa còn búp, khi có chồng rồi như cái hoa nở. Dân
gian cũng sẵn sàng phạt “một đôi bông” đối với chàng trai nào đó sổ sàng
nếm trái cấm hoặc lỡ “chung vô mùng” cô gái mà anh ta để ý, khi chưa
được cha mẹ cô gái cho phép!
Nếu đã định
được ngày cưới, thì trong khay hộp này còn có miếng giấy điều (giấy đỏ)
viết ngày giờ nhà trai sẽ tiến hành lễ cưới để trình cho nhà gái luôn.
Trong khay, còn có cặp đèn cầy đỏ loại lớn và cặp liễn đối được xếp ngay
ngắn để tiến hành các nghi lễ.
Lễ vật
thường từ bốn đến tám mâm: một hoặc hai mâm bánh, một hoặc hai mâm trái
cây, một mâm trầu, cau, một mâm rượu, một, hai mâm trà, … tuỳ theo mùa,
tuỳ theo yêu cầu của nhà gái hoặc do nhà trai tự quyết định. Sản vật
trong các mâm không bắt buộc, chỉ có mâm trầu, cau và hai khay chúng tôi
miêu tả ở trên là không thể thiếu.
Các mâm
được phủ vải điều, riêng mâm trầu cau thường cầu kỳ đậy bằng búp sen
giấy cho đẹp mắt. Theo ngày giờ đã định trước, nhà trai sẽ đi bằng ghe,
xuồng sang nhà gái.
2.4.3. Che rạp và chuẩn bị ở nhà gái
Đám nói ở
nhà gái làm lớn hơn, có che rạp và nhóm họ từ ngày hôm trước. Chúng tôi
sẽ miêu tả cách che rạp ở phần đám cưới, đây chỉ nói lướt qua. Rạp
thường có một cổng chính trên có bảng đề “LỄ ĐĂNG KHOA”, và hai cổng phụ hai bên. Trong rạp sắp xếp nhiều bàn, ghế chuẩn bị đãi tiệc.
Trong thời gian thanh niên che rạp, các cô gái trong xóm đến nhà cô dâu nướng bánh kẹp, đổ bánh bò, … để đãi khách sắp tới.
Trước đây kinh tế chủ yếu là tự túc tự cấp nên có gì đãi khách nấy, ít có chuyện mua bánh ngoài chợ mang về như hiện nay.
Chiều bữa
nhóm họ, nhà gái thường làm heo. Heo nhỏ thì hai ba con, heo lớn thì một
con, tuỳ theo lượng khách mời mà chủ nhà tính toán. Đàn ông trong xóm
đến phụ làm heo xong thì nướng vài ba miếng “thịt bánh chè” nhậu nhâm
nhi, đàn bà thì chặt, xắt xào nấu. Đến tối, khi ánh đèn dầu lớn hoặc
sang thì có đèn măng xông đốt sáng rực. Đàn ông, trai tráng thì nhâm nhi
ly rượu đế hát ca những bài bản tài tử. Hoặc có vài bàn cờ tướng, vài
bộ bài tây đánh “hoà bình”, “kéo cách-tê”, … cho rôm rả đến khuya. Các
bà, các chị tiếp tục nấu các món để ngày hôm sau đãi khách và họ nhà
trai nhà trai. Tối thường chủ nhà gái đãi những người đến phụ cũng như
bà con họ hàng bằng nồi cháo lòng heo lớn, …
2.4.4. Nghi thức đám nói
Sáng hôm
sau, đúng giờ tốt (đã được thầy coi), nhà trai đến, thành phần chứng
kiến lễ như đám đi chơi, lần này những người đi theo nhiều hơn. Họ được
nhà gái mời ngồi vào bàn ăn bánh uống nước.
Ở gian
chính, bàn thờ, bàn giữa được bày biện như ở đám đi chơi mà chúng tôi đã
nói trên. Nghi thức “đám nói” được tiến hành. Trưởng tộc nhà trai sai
rể phụ bưng mâm trầu rượu vào đặt ở đầu bàn giữa, rót rượu ra hai chun,
đốt hai cây đèn cầy nhỏ trong khay trầu rượu, rồi mời kính cẩn mời
trưởng tộc nhà gái. Nếu trưởng tộc nhà gái thấy đủ phép, thì uống rượu
và mời nhà trai vào, trước là chủ hôn (có thể là cha hoặc mẹ hay cả
hai), tiếp theo là chú rể, và những người bưng mâm lễ vật (thường là 6 –
8 mâm). Vào nhà, những mâm lễ vật để trước bàn thờ, nhà gái sẽ mời nhà
trai ngồi vào những vị trí riêng biệt, nhất là hai bên suôi gia sẽ ngồi
đối diện nhau, theo thứ tự trưởng tộc, ông (bà) mai, cha mẹ chủ rể, họ
hàng nhà trai,… Bên gái thành phần cũng tương tự, chỉ có điều ông mai là
của chung “hai họ”, chú rể và rể phụ sẽ đứng gần bàn thờ, và khi mọi
người ổn định chỗ ngồi xong, rể phụ sẽ rót rượu ra (khi rót rượu thì
không bao giờ rót đầy, vì có người uống, có người chỉ nhấp môi một chút
cho phải phép, và dù chun rượu còn hay không, rể phụ cũng rót một chút
rượu mới để mời người tiếp theo). Xong tuần rượu, trưởng tộc nhà trai
xin phép trưởng tộc nhà gái để tiến hành các nghi lễ, trước tiên trình
lễ vật là đôi đèn cầy, đôi liễn viết bằng chữ Nho trên nền giấy hồng
điều, có khi có nhủ vàng cho đẹp mắt, mâm trầu cau, rượu, trà, bánh mứt,
trái cây sau đó là trình nữ trang và số tiền mà nhà trai phụ cho nhà
gái làm lễ Vu quy.
Khi nhà gái
đã đồng ý chấp nhận lễ vật rồi, cha mẹ cô dâu gọi cô dâu ra chào họ nhà
trai. Cô dâu mặc áo dài màu, con nhà khá giả còn mặc thêm áo kép ở
ngoài, áo kép cũng là áo dài may rộng hơn một chút và có tay rộng bằng
ren, để có thể nhìn thấy áo dài mặc bên trong, trang điểm lộng lẫy, …
Lúc này, trưởng tộc nhà trai tiến hành lễ dán liễn. Đôi liễn đối được
dán ở trước cửa chính của nhà gái. Ngoài lời chúc mừng song hỉ, liễn đối
còn báo cho mọi người biết con gái nhà ấy đã có chồng, một niềm vinh dự
của cha mẹ cô dâu, theo quan niệm xưa đến đây con gái coi như đã báo
hiếu được cho cha mẹ, không hoặc đốn, không “bỏ nhà theo trai”, … mà có
người cưới hỏi đàng hoàng, …
Số nữ trang
được nhà chồng cho cô dâu cũng được công bố công khai, bà mẹ chồng hoặc
một người đàn bà đứng tuổi còn đủ vợ chồng, đức hạnh, con cháu đề huề,
đại diện nhà trai, dắt cô dâu vào buồng để đeo bông. Nghi thức này chính
thức xác nhạn cô dâu đã có chồng!, hoa đà có chủ!
Người ta giàu thì đầu heo nọng thịt
Tụi mình nghèo thì cặp vịt đôi bông
Kèm theo
bông tai là các loại vàng vòng khác, tùy theo gia cảnh từng người. Bên
chồng cho cô dâu mấy bộ quàn áo (phải là số chẵn thường là 4 – 6 bộ)
cũng được trình cho hai họ xem. Chú rể có thể tặng cô dâu cà rá, dây
chuyền hoặc đồng hồ đeo tay, …
Các mâm lễ vật mang theo cũng trình và để lên bàn thờ cúng người quá cố, sau đem ra cho hai họ thưởng thức.
Sau khi đeo
nữ trang xong, cô dâu đứng lại gần chú rể, mặt tươi như hoa trong ngày
hạnh phúc nhất của đời người. Đến đây, nhà gái sẽ tiến hành nghi thức
“lên đèn”, người ta chọn một người đàn ông có đạo đức, vợ chồng hạnh
phúc, con cái ngoan ngoãn, người này sẽ đốt hai cây đèn do nhà trai mang
tới, người này cầm cặp đèn để tim chúng chặp lại rồi đưa vào ngọn đèn
khác để đốt, người ta thường kiêng cử khi đốt đèn ngọn cháy ngọn không,
hoặc cháy một chút rồi tắt, sau khi lên đèn xong, cha mẹ cô dâu hay
trưởng tộc sẽ dâng hương lên bàn thờ, sau đó cô dâu và chú rể lạy bàn
thờ bốn lạy, chú rể lạy phải cung tay, “lên gối, xuống gối”, cô dâu phải
lạy thế ngồi “xếp chè he”.
Xong, đến
lễ nhận mặt cha mẹ hai bên (kể từ đây chàng rể gọi cha mẹ vợ, cô dâu gọi
cha mẹ chồng), đại diện nhà gái (thường là đàn bà) dắt cô dâu chào hỏi
những cô, chú, dì, cậu, … “chồng”. Những người này sẽ cho cô dâu vải,
vàng, tiền … mừng. (Đây là dịp họ coi như “trả nợ” cho cha mẹ của chú
rể, bởi trước đây, hoặc sau này đám nói con của họ, cha mẹ của rể hiện
tại cũng sẽ cho, biếu dâu họ như vậy! có qua có lại, tình thân nghĩa
thuộc là thế!).
Nghi lễ đám
nói kết thúc bằng bữa tiệc rượu trọng thể. Khi từ giả về, nhà gái cũng
làm nghi thức hồi mâm cho nhà trai như đám đi chơi. Có điều còn ít, hay
còn nhiều trong mâm lúc bấy giờ không còn nhiều ý nghĩa nữa!
Khách mời
đám nói cũng như khách mời đám đi chơi. Nhà gái cũng rất kỹ lưỡng không
bỏ sót người thân, bởi nếu là dòng họ, láng giềng gần mà không cho hay,
có khi đến đám cưới họ “giận” không đi, bởi lẽ đám nói mọi chi phí ăn
uống do nhà trai “nạp tài”, vì thế khách của nhà gái chỉ đi “ăn” mà
không phải lo tiền mừng, quá biếu. Khi ra về, chủ nhà còn báo cho khách
ít bánh, trái như lời cám ơn họ đã đến chia vui.
Khách mời
bên đàng trai ngoài họ hàng quyến tộc, còn là những người thân tình từng
“qua lại” với cha mẹ chú rể, họ sẽ được mời sang nhà gái và phải chuẩn
bị quà mừng tặng cô dâu. Nếu trước đó, họ đã được cha mẹ chú rể đi đám
nói cho con trai mình thì giờ coi như dịp “đáp lễ”, nếu là lần đầu thì
coi như họ đang cho cha mẹ chủ rể “nợ” tình vậy!
2.4.5. Phản bái đám nói
Sau ba
ngày, cha mẹ của chú rể cùng con trai sang nhà gái mang theo cặp vịt gọi
là lễ phản bái. Tình thâm sui gia hai nhà càng thêm thắt chặt. Trong
bữa tiệc ở nhà gái, ông mai cùng hai bên sui gia thỏa thuận tiền nạp tài
đám cưới, ngày giờ cưới, cách thức đi lại rước, đưa dâu, số lượng người
tham dự, …
2.5. Đám cưới
2.5.1. Thời gian tổ chức đám cưới
Sáu tháng
mưa dầm lầy lội, việc đi lại trên bộ ở vùng nông thôn sông nước Ngã Năm
khá vất vả, nên người ta thường thỏa thuận tổ chức cưới vợ ăn tết, tức
là để sang mùa gió chướng đến trước tết tổ chức đám cưới là hay nhất.
Gặt hái vừa xong, đường sá lại sạch, khô, hơn nữa củi lửa cũng không
phải lo ướt, nấu nướng thuận tiện hơn, … Thường thi khoảng trên dưới từ
một đến ba tháng sau ngày đám nới là người ta tiến hành lễ cưới cho hai
trẻ:
Nói vợ phải cưới liền tay
Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha
Trong thời
gian chờ đám cưới nếu vì một lý do nào đấy mà hủy hôn, nêu là bên trai
chủ động “hồi” thì mất sạch cửa, ngược lại nếu bên cô dâu hồi thì phải
thường bồi một số tiền lớn gấp mấy lần số tiền mà nhà trai bỏ ra tổ chức
đám hỏi. Cả vàng vòng nữa trang, quần áo cũng phải trả lại hết, …
2.5.2. Nạp tài đám cưới
Nghi thức
này diễn ra y như nạp tài đám nói. Trước ngày cưới 5 – 10 bữa, nhà trai
đem tiền, heo qua cho ngày gái chuẩn bị lễ Vu quy.
2.5.3. Hai bên trai gái chuẩn bị và che rạp
Khách mời
của đám cưới đông hơn, ngoài bà con thân tộc, và những người đã từng dự
đám nói chắc chắn sẽ có mặt, nhà gái, nhà trai còn mời thêm khách gần
khách xa tùy thoe mối quan hệ và kinh phí tổ chức đám cưới. Trước ngày
cưới năm bảy ngày chủ nhà sẽ trực tiếp hoặc “mượn” người biết lễ nghi ăn
mặc chỉnh tề, sang thì áo dài khăn đóng, không thì bà bà tươm tất đến
gặp trực tiếp chủ nhà thông báo đám cưới, trân trọng mời cả nhà đến dự. Ở
quê, mời đám cưới là mời cả hai, ba ngày, không bao giờ mời, ai mời giờ
sẽ coi như “thất lễ”, người khó tính “bắt lỗi” và không đến dự, … Đến
ngày vui, có khi cả nhà cùng đến “ăn thịt heo” làng trên xóm dưới rộn
ràng như hội. Dù hao tốn nhưng chủ nhà rất lấy làm hãnh diện, bởi phong
tục bao đời ông bà truyền lại là vậy!
Mỗi đám
cưới ở vùng nông thôn xứ dừa thường phải trải qua ba ngày. Một ngày nhóm
họ, một ngày rước dâu và ngày cuối là ngày giật rạp.
Ngày nhóm
họ tức là ngày đám trai gái giỏi giang rủ nhau tự nguyện đến giúp làm cỗ
và trang trí dưới sự điều hành của một tổng chỉ huy. Kẻ lo mổ heo, mổ
bò, người đốn tre trúc, lá dừa, đủng đỉnh (cây móc), chuối cây để dựng
rạp. Chọn người khéo tay dùng cây nhà quả vườn chưng hình rồng phụng lên
bàn thơ. Dùng nhen dừa, lá chuối, nhánh cây cắt ghép tranh sơn thủy.
Rạp cưới đúng điệu mỗi cột đều được ốp bẹ chuối, chung quanh quấn lá
đủng đỉnh bởi lá có hình răng cưa rất đẹp, xanh bền, không rụng. Đặc
biệt hoa đủng đỉnh được kết làm tua rèm. Tàu dừa xé đôi chặt ngắn bớt
lá, uốn hình trái tim ở bốn bề quanh rạp. Có thể lấy lá dừa thắt hình
con chim, con cá treo chung quanh cho gió lắc lư nhìn vui mắt.
Trước cổng
nhà người ta dựng hai cây chuối mới trổ buồng để cầu cho con cháu sinh
sôi nẩy nở. Có nơi còn thắt hai con rồng phụng bằng lá dừa khiến ai nấy
trầm trồ thán phục. Sau việc trang trí, dựng rạp là đến việc mượn bàn
ghế, thường đến mỗi nhà lân cận mượn một bộ gồm một bàn tròn, 9 ghế đẩu
(số 9 được xem là số may mắn) sao cho đủ số đã định tùy lượng khách mời.
Đám cưới
cũng là dịp để các bà các chị khoe tài nấu nướng. Ai sở trường món nào
được giao nấu món đó dưới sự chỉ huy thống nhất của một người bếp
trưởng.
Các cô gái
lo vót tăm từ cọng dừa, lại chia nhau nhóm làm bánh kẹp người xào mứt
dừa, mứt chuối … ai cũng có phần việc, đây cũng là dịp chòm xóm, dòng
tộc gặp mặt đông đủ chuyện trò, cười nói râm ran vui vẻ. Cũng là dịp để
các bà mai, các gia đình có con trai tới tuổi để ý tìm “tân giai nhân”.
2.5.4. Nhà gái đêm nhóm họ
Đến chiều
nấu nướng đã tạm xong, bà con xa gần đã đến gần đông đủ, nhà gái mời họ
ăn cháo, lai rai vài ly rượu đế, có đám còn tổ chức đàn ca tài tử, vài
bài bản Tây thi, Xuân tình, Bình bán,
… do các “nghệ sĩ dân gian” cây nhà lá vườn tận tình phục vụ., … Hết
canh hai, khách khứa đã lác đác ra về, chỉ còn lại bà con thân tộc của
cô dâu, người ta cử hành lễ “lạy xuất giá“. Ông bà nội ngoại (nếu còn
tại thế) cha mẹ, chú bác, dì cậu, … của cô dâu được mời ngồi vào bàn
giữa. Cô dâu đến trước bàn thờ ông bà lạy bốn lạy, kế đó lạy cha, mẹ hai
lạy, sau đó theo thứ tự từ ông bà, bác, chú thím, cô dượng, anh, chị,
hết bên nội đến bên ngoại,… cô dâu lạy chung 2 lạy, gọi là để từ giã
“xuất giá, vu quy”, những người trong thân tộc đáp lễ bằng cách mừng cho
cô dâu tiền, nữ trang, hoặc quà, để cô dâu “làm vốn” trước khi về nhà
chồng. Cách lạy thì cô dâu sau khi xá rồi ngồi xuống, hai chân thu về
một bên, xuôi ra phía sau, ngồi thẳng rồi chấp hai tay lại vừa xá xuống,
vừa dang hai tay ra, vừa cúi đầu vừa khom lưng xuống một chút rồi cất
đầu lên, thân thẳng lên, hai tay chập lại trước ngực để lạy tiếp, nếu đã
lạy đủ hai lạy thì lấy hai tay chống xuống nền nhà, đứng lên rồi xá một
xá.
Ngày trước
khi đã vu quy là ít khi về lại nhà của cha mẹ xưa, nên trong lễ “xuất
giá”, nhiều cô dâu vừa lạy vừa khóc, bởi cô dâu biết chỉ sáng mai là
bước vào một cuộc mới, “trong nhờ đục chịu”. Ông bà thường bảo khấp như nữ tử vu quy nhật để nói đến tục này. Ca dao cũng có câu:
Má ơi đừng gả con xa!
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?
Mấy chục năm trước, tối lạy xuất giá ấy, người ta hay mở đĩa hát máy có bài vọng cổMẹ dạy con do danh ca Tư Sạng ca, những lời mẹ dạy con trước khi về nhà chồng thật là thực tế và đầy ý nghĩa.
Đám cưới
nào cũng vậy, trong tiệc tùng, có rượu vào thì lời ra, người ta bàn luận
về thời sự, văn chương, đạo lý trong những truyện Tàu, nào là Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc diễn nghĩa, Hán Sở Tranh Hùng, Thuyết Đường, Thủy Hử, … Các cụ ông thì vừa nhâm nhi ngụm nước trà vừa đánh cờ tướng đến … sáng đêm!
Các bà các
cô có dịp ăn mặc lịch sự, nào là áo gấm, áo the quần lãnh Mỹ A, nữ trang
với những chiếc vòng chạm, cẩm thạch, dây chuyền với nhiều kiểu “mề
đay”, còn hoa tai nhẫn hột cẩm thạch, sang trọng hơn với những hột xoàn
chiếu lóng lánh.
Khu vực bếp
núc thì luôn luôn đầy khói, tiếng chén bát khua nhau, tiếng dao bằm
thịt trên thớt không ngớt, còn mùi thức ăn thoang thoảng bay xa.
Thanh niên đến giúp thường đào những lò âm sâu dưới đất để nấu nước pha trà, …
Nếu nhà
trai rước dâu vào giờ thìn ( từ 7 – 9 giờ sáng) thì sáng hôm rước dâu
đàng gái mới đãi ăn (ở quê người ta ăn cổ rất sớm, thậm chí có người ăn
xong đám cưới rồi về còn kịp đi ruộng!), còn nếu rước dâu phải diễn ra
hừng đông hoặc khuya thì nhà gái sẽ đãi bà con hàng xóm cổ cưới vào
chiều hôm trước. Trong khi đãi ăn thường không thể vắng cô dâu.
2.5.5. Đêm nhóm họ bên nhà trai
Những hình
thức nhóm họ bên nhà trai cũng không khác gì bên nhà gái. Bà con họ hàng
tập trung lại dựng rạp, làm heo, nấu nước, chuẩn bị bàn ghế, bình tích,
chung uống nước (đám cưới người ta thường dùng chung để đồng âm với
chung thủy, ít ai dùng ly bởi người ta tin đó là điềm ly biệt!). Chỉ
khác là khi bên gái tổ chức cho cô dâu lạy xuất giá thì bên trai các bậc
trưởng thượng tập cho chú rể nghi thức lạy gia tiên và lạy ông bà cha
mẹ. Lạy gia tiên (lạy ông bà khuất mặt) thì lạy bốn lạy, còn lạy ông bà
cha mẹ thân tộc còn sống chỉ lạy hai lạy. Cách lạy họ không phải chấp
hai tay lại mà phải cung hai cánh tay, ngón giữa và ngón đeo nhẫn tay
mặt giáp mí tay trái, tạo thành một cung tròn để xá, khi lạy phải choàng
tay qua đặt lên gối, chắp lên hông, … rất cầu kỳ.
2.5.6. Lễ vật nhà trai chuẩn bị đem đi rước dâu
Khai trầu
hộp giống như khai trầu đám nói, một mâm trầu, mâm nầy trong người ta để
cau và trầu, cau vài chục trái, trầu vài chục lá đều là số chẵn, rồi
người ta đậy kín lại, làm dấu để không ai được mở ra, chờ cho đến ba
ngày sau, cô dâu và chú rể trở về nhà cô dâu làm lễ “Dở mâm trầu”. Cho
nên thường người ta dùng giấy bông cái hình búp sen, đủ lớn chụp lên
trên mâm trầu, có một mâm đựng một đôi đèn sáp đỏ, có bắt bông rồng,
phụng, tượng trưng cho câu chữ “Loan phụng hòa minh, sắc cầm hảo hiệp”,
ngoài ra còn có những mâm rượu, mâm trà, mâm trái cây, mâm bánh mứt,
toàn bộ những mâm này phải là số chẵn, tượng trưng cho vợ chồng mới
cưới, đủ đôi, chẵn cập, những mâm nầy có thể để trần, có thể phủ giấy
màu, có thể dùng cái quả có nắp đậy lại.
2.5.7. Đi rước dâu
Ngày rước
dâu, nhà trai đi tới nhà gái gồm cha mẹ chú rể, 2 – 4 cặp vợ chồng người
lớn tuổi, chú rể, một rể phụ, một số thanh niên, một số thiếu nữ đủ để
bưng mâm và tổng số người đi tính luôn chú rể là số lẻ để khi cô dâu để
khi về thêm cô dâu thành chẵn và phải chọn những người không có vấn đề
rắc rối về hôn nhân, gia đình con cái. Ngày xưa, đám cưới hầu hết đều
mặc quốc phục, nam áo dài khăn đống, nữ áo dài. Nhà giàu chú rể mặc áo
gấm xanh bông bạc, hoặc mặc áo “thụng” là áo dài có tay rộng hơn, nhà
nghèo thì cũng áo dài đen. Khăn đống gồm có bảy vòng, tượng trưng cho
“thất phu”, dưới bảy vòng đó có chữ “Nhân” ( 人) là người đã trưởng
thành.
Việc rước
dâu vùng sông nước cũng có đặc điểm riêng, nếu nhà trai và nhà gái ở
cùng xóm, có đường đi bộ thì đi rước dâu bằng bộ, nếu ở xa, cách trở
kênh rạch thì đi bằng xuồng, ghe, … Số lượng ghe xuồng đi rước dâu cũng
còn tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên, tùy theo sông lớn hay rạch nhỏ
để chọn phương án tối ưu, hoặc một chiếc ghe lớn hay vài ba chiếc nhỏ
cho tiện việc luồn lách vào tận rạch cùng xẻo hẹp. Trên ghe, trẻ già
trai gái ngồi thành hai hàng quay mặt vào nhau chuyện trò vui vẻ. Những
chiếc áo bà ba đủ màu sắc, tay cầm dù của các cô gái càng tạo thêm cho
vùng sông nước một nét sặc sở đặc trưng.
Xưa mỗi khi
chuẩn bị cưới hỏi ở vùng sông nước, ngoài việc chọn ngày lành tháng tốt
người ta còn phải chọn con nước thích hợp cho việc đưa dâu đón dâu bằng
ghe xuồng, sao cho không bị lỡ nước, mắc cạn, lỡ giờ tốt lại không lui
không tới được. Việc này hai bên sui gia phải ngồi lại bàn kỹ, vẽ một sơ
đồ đường thủy vào ra tiện lợi để sao cho bên đưa bên đón kịp đi kịp về
trong con nước. Trên đường đi phải giữ sao cho lễ vật không “đổ bể”, lại
phải canh sao cho kịp sang nhà gái vào giờ tốt để làm lễ. Có khi do
đường xa, nắng mưa, nước lớn ròng bất chợt, đến sớm quá (so với giờ quy
ước) nhà gái không cho vô, nhà trai phải ngồi dưới ghe hoặc “lang thang”
đâu đó chờ tới giờ, nếu đi trể quá, nhà gái sẽ làm khó dễ, lúc bấy giờ
vai trò của trưởng tộc sẽ thay mặt họ nhà trai xin bỏ lỗi để nghi thức
rước dâu được tiến hành. Nhưng trể không hay, bởi đã qua giờ tốt, vì thế
để cho chắc ăn người ta thường đi sớm hơn nhiều để trừ hao! Cũng có
trường hợp do tính không kỹ giờ con nước lớn nước ròng, lại không may
gặp luồng nước ngược gió ngược ghe đi chậm về không kịp nước đành phải
ghé bến xa nhà, đoàn rước dâu phải đi bộ rất xa hoặc có khi phải lội bùn
mới lên bờ được, ai nấy nhem nhuốc, phờ phạc dở khóc dở cười.
2.5.8. Nghi thức rước dâu bên nhà gái
Khi đến nhà gái, trước khi vào cổng rạp (cổng có chữ LỄ VU QUY phía
trên), mấy đứa trẻ con chăng mấy sợi chỉ hồng, chú rể phải nhanh tay
cho các em mấy đồng bạc lẻ, bọn trẻ tháo dây, trưởng tộc nhà trai dẫn
đầu sẽ được phía nhà gái ra đón vào nhà chính để làm lễ. Pháo hoặc bong
bóng được đốt nổ rang.
Vị trí ngồi
vào bàn giữa và tiến hành các nghi thức trình rượu, dán liễn, lên đèn,
trình lễ vật y như nghi thức đám nói. Khi cô dâu từ trong buồng bước ra,
chú rể phải lanh mắt lẹ chân bước lại “chụp bóng” người vợ, nghĩa là
chen chân đi trước, nếu không sau này sẽ bị vợ lấn lướt.
Cô dâu chào
hai họ, nếu bên chồng có cho thêm cô dâu nữ trang khác nữa, thì mẹ
chồng, hoặc cô hay dì chồng, …, sẽ đeo nữ trang nhà trai vừa mới cho
thêm cô dâu, người đàn bà này vợ chồng phải đủ đôi, có nhiều đức tính
tốt, gia đình hạnh phúc, để cho cô dâu nương nhờ đức hạnh ấy mà tạo dựng
hạnh phúc cho gia đình mình.
Giá trị của liễn đối giống như liễn đối đám nói mà chúng tôi đã nói ở trên.
Sau khi đeo
nữ trang xong, cô dâu đứng lại gần chú rể, một cặp tân hôn, tân lang
mặc đẹp. Nghi thức lên đèn. Lạy bàn thờ của cô dâu, chú rể diễn ra như
đám nói.
Lạy gia
tiên xong, rể phụ rót rượu ra khai trầu rượu, để chú rể và cô dâu cung
kính dâng mời cha mẹ cô dâu uống rồi mới làm lễ lạy cha mẹ hai lạy, lễ
này mang ý nghĩa đền ơn dưỡng dục.
Rượu lưu ly chân quỳ tay rót
Cha mẹ uống rồi nối gót theo anh
Sau đó lạy
họ, từ ông bà, chú bác, cô dì dượng, cho đến các anh, chị những lạy này
mang ý nghĩ lễ ra mắt của cặp vợ chồng mới, nhất là chú rể chịu sự tôn
kính những người trong thân tộc họ nhà gái. Trước khi làm lễ lạy ai, cô
dâu và chú rể đều phải dâng rượu mời người đó uống trước khi làm lễ.
Lạy họ
xong, cô dâu và chú rể có thể vào phòng nghỉ, ngày nay thì các đôi tân
lang thường chụp anh với anh chị em, bạn bè thân tình để làm kỉ niệm,
chờ hai họ ăn bánh, uống trà, chuẩn bị rước dâu. Nhà gái sẽ mang tất cả
những mâm rượu trà bánh mứt vào trong, lấy mỗi thứ một phần kiếng lại
cho nhà trai, gọi là “lợi quả” hay “hồi mâm”, như vậy mới lịch sự, ít ai
“ăn hết” mà không chừa cho nhà trai một ít mang về.
Trước khi
rước dâu, rể phụ lại rót rượu để trưởng tộc nhà trai, trình với trưởng
tộc nhà gái xin rước dâu. Cô dâu và chú rể ra trước bàn thờ lạy bốn lạy
rồi chú rể khoác tay cô dâu đi ra. Những người họ nhà trai là những
người rước dâu sẽ ra khỏi nhà gái trước với cô dâu. Cô dâu phụ (thường
là bạn thân hoặc chị em của cô dâu) đi theo che dù cho cặp tân lang, tay
dâu phụ cầm thêm cái quả, trong đó đựng nữ trang, tiền bạc, … Hộp trang
sức của cô dâu thường có thêm cây trâm. Dân gian cho rằng cây trâm
ngoài việc trang sức còn có tác dụng ngăn chuyện bị “phạm phòng” (căn
bệnh mà dân gian truyền là thượng mã phong, nếu xảy ra trường hợp ấy cô
dâu dùng trâm đâm vào xương cùng của chú rể, sẽ cứu được, bà mẹ cô dâu
đã dạy điều này cho con gái trước khi vu quy. Sự thật chẳng biết ra sao,
bởi đó là chuyện “phòng the”.
Những người
họ nhà gái đưa dâu sẽ đi theo sau, một số thiếu nữ được cô dâu “mượn”
đem giúp những rương đựng những vật dụng chánh yếu về nhà chồng như quần
áo, cặp gối cưới được cô dâu ra tài thêu thùa trang điểm từ trước, hai
cái mền, … và đặc biệt không thiếu được là cái rổ may, trong đó có kim,
chỉ, lỡ áo rách có kim mà may, vá, ít bánh để phòng khi lạ chỗ lạ nhà,
lúc đói bụng có mà ăn, hột quẹt, đá lửa, … (ngày trước chỉ xài ống quạt
bằng đá, tiêm gòn tẩm dầu hoặc xăng!) phòng khi tối lửa tắt đèn.
Khi đàn
trai rước dâu ra về, đám cưới bên nhà gái cũng dần kết thúc. Nhà gái chỉ
chừa lại một mâm để những người đi đưa dâu về ăn bữa chiều coi như lời
cám ơn họ hàng đến chung vui và đưa con mình về nhà chồng!
2.5.9. Rước dâu về nhà trai
Đoàn rước
dâu phải về nhà trai đúng giờ tốt đã được “coi” trước, cô dâu, sau khi
hai họ đã an vị ở bàn giữa (được kê 8 – 12 ghế đẩu, họ nhà trai và nhà
gái ngồi đối diện nhau), phía trên là bàn thờ được chưng dọn đẹp mắt, cô
dâu chú rể vào làm lễ. Đầu tiên là lễ lên đèn (riêng liễn đối thường
được dán trước khi xuất hành đi rước dâu, nên không làm lễ dán liễn như
bên nhà gái). Kế đến là cô dâu chú rể làm lễ lạy gia tiên (nghi thức lạy
y như bên nhà gái), kế đó rể phụ rót rượu để chú rể và cô dâu mời cha
mẹ chú rể uống rượu, trước khi làm lễ lạy hai lạy, kế đó ông bà nội,
ngoại, chú bác cô dì, anh chị ruột mỗi người đều được mời rượu trước khi
làm lễ, lễ này mang ý nghĩa cô dâu nhận phận làm dâu và ra mắt họ nhà
trai. Những người trong thân tộc sẽ mừng cho cô dâu và chú rể tiền bạc
hay quà.
Song hành
cùng lễ tân hôn, nhà trai tiến hành đãi tiệc, vừa mời nhà gái, vừa đãi
khách mời ăn uống. Sau khi lạy họ xong, chú rể và cô dâu sẽ tiếp người
nhà đãi khách, và cho đến lúc tiệc tàn sẽ tiễn đưa nhà gái về.
Mọi người đều bịn rịn chia tay, cô dâu khó cầm được nước mắt khi tiễn những người thân ra về.
Tối đến, cô
dâu chú rể động phòng, ở miệt Ngã Năm – Sóc Trăng không có tục tế tơ
hồng hay giao bôi. Buồng cưới được trang trí kín đáo. Bà mẹ chồng, hay
cô, dì chồng, … để sẵn một cặp chiếu (nhưng không trải ra) ngay ngắn ở
đầu giường, sau đó, cô dâu chú rể … tự xử! Cô dâu luôn được mẹ dặn trước
khi giăng mùng, đợi chú rể vừa lên giường phải nhanh tay sập mùng cũng
là để “chụp bóng” như ý mà chú rể đã làm khi tranh bước với cô dâu ở nhà
gái, có nhanh tay vậy sau này mới không bị chồng ăn hiếp! Xem ra không
biết “mẹo” nào hơn “mẹo” nào?
Cũng xin nói thêm, nếu cô dâu còn trong trắng trinh nguyên thì đường hoàng đi vào cửa chính của rạp phía trên có chữ “LỄ TÂN HÔN”,
nếu ai đó lỡ “ăn cơm trước kẻng!” mà nhà trai biết (dù đó là do con
trai mình gây ra!) thì cô dâu buộc phải đi vào cửa phụ bên hong rạp.
Phiền toái hơn, mâm trầu mà nhà trai mang sang nhà gái ngày đám cưới có
khi họ mua loại trầu bị úa cho những trường hợp này! Thật là:
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình!
Nếu hai bên
thương nhau đến mức không chờ được tổ chức các nghi thức cưới nói như
vừa nêu, mà “gái theo trai”, “trai dắt vợ” đương nhiên là hàng xóm dị
nghị, chê cười không ít, những cha mẹ hai bên (nếu động lòng thương) thì
cho “tụi nhỏ” làm lễ “thú phạt”. Khi ấy, cha mẹ bên trai dắt con trai
và con dâu sang nhà gái, mang theo ít trái cây, bánh nước, bên gái nhận
lời đãi nước, đãi cơm rồi nhận nhau là sui gia, bên trai nhận dâu, bên
gái nhận rể, nửa buổi thì về. Bên trai coi như có dâu, bên gái coi như
đã gả con, nhưng rất đau lòng bởi “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, họ
coi như vô phước có đứa con hư, nên rất tủi hổ với xóm giềng, bè bạn gần
xa.
Sang ngày
thứ ba, sau khi khách ở xa đều ra về, mọi người lại lo “giật rạp”, dọn
dẹp, trả bàn ghế. Ngày này, gia chủ còn gì mang ra hết, nâng ly tỏ lời
cám ơn mọi người đã nhiệt tình giúp đỡ. Không còn phải quá lo, mọi việc
đã đề huề, chủ nhà cũng đã có được nàng dâu mới, đám tiệc lại diễn ra
đúng như dự tính, không có sự cố đáng tiếc nào, tiền khách mừng cũng tạm
đủ để chi tiêu, nên bữa “giật rạp” giống như bữa liên hoan tổng kết,
mừng công tất cả mọi người.
Sau hết,
chủ nhà sẽ chọn một số “xà bần” còn dùng được, mỡ heo thắng, bánh trái
đem cho hàng xóm và họ hàng quyến thuộc. Riêng ông mai thì được lĩnh
“cái đầu heo” hậu hĩnh.
2.5.10. Lễ phản bái
Ba ngày
sau, là ngày “Phản bái”, cô dâu và chú rể trở về nhà cô dâu, để “Dở mâm
trầu”, thường cô dâu và chú rể mang theo một cặp vịt ta (vịt trắng tượng
trưng cho sự trinh trắng nguyên vẹn, người ta kiêng không mang vịt tàu
vì màu rằn ri), để làm thức ăn bày biện cúng ông bà. Ở vùng Ngã Năm
không có chuyện đem theo đầu heo để cúng như một số vùng miền khác (nếu
cô gái không còn trinh trắng, đầu heo sẽ bị cắt mất tai, gia đình nhà
gái nhìn thấy như vậy phải lo “đền bù” một lượng tiền bạc nào đó xứng
đáng!) Trước khi cúng, cô dâu và chú rể sẽ vào phòng, chỉ có cặp vợ
chồng mới, dở mâm trầu ra, lấy trầu, cau để vào dĩa rồi mang ra bàn thờ
cúng. người ta kỵ mâm trầu có người dở ra nhìn, hoặc khi hai vợ chồng dở
mâm trầu ra có người nhìn thấy, họ sẽ dị nghị: người vợ sẽ cầm quyền,
nếu cô dâu lấy trầu hay cau trước, ngược lại chồng sẽ cầm quyền, nếu
chàng rể lấy trước.
Đôi khi vì
đường xá xa xôi, vì mùa màng cấp bách hay vì lý do nào đó, trước rước
dâu, nhà trai có thể xin nhà gái cho “dở mâm trầu” ngay trong ngày cưới.
Lễ Phản bái có
nhiều ý nghĩa, bởi vì trong những ngày đầu, cô dâu mới gặp nhiều chuyện
khó khăn trong đạo dâu con, vợ chồng, ở bên nhà chồng không dám than
thở cùng ai, về lại nhà mình sẽ được tâm sự cùng mẹ hay chị em, họ sẽ
giúp ý kiến, khuyến khích tinh thần, an ủi thân đơn, cảnh lạ. Phản bái còn là dịp để nhà trai “trình báo” với nhà gái tình trạng trinh tiết của cô dâu, …
Cúng ông bà
bằng nồi cháo vịt xong, sui gia hai họ cùng một số thân bằng quyến
thuộc và cô dâu chú rể ăn cùng ăn uống vui vẻ. Từ đây, cuộc sống của hai
vợ chồng trẻ mới chấm dứt hẳn phần nghi lễ đám cưới.
3. Một vài nhận xét thay lời kết:
Ngày nay, chú rể và cô dâu tìm hiểu, quen biết nhau, mâm trầu chỉ còn ý nghĩa tượng trưng chứ ít rườm rà như ngày trước.
Ngày nay
tục lạy bàn thờ ông bà người ta vẫn giữ nhưng lạy người sống kể cả cha
mẹ, hầu hết được miễn, chú rể và cô dâu chỉ xá những người phải làm lễ
mà thôi.
Nhớ tới đám
cưới ở quê nhà, những khi giúp nấu nước, pha trà, che rạp, dọn bàn, khi
làm rể phụ cẩn thận bưng khai trầu rượu, cung kính rót rượu, mời bậc
trưởng thượng nhấp chun rượu lễ, để khép nép thưa trình … cũng là cái
nhớ, góp thêm vào lòng nhớ cố hương.
Những thay
đổi phù hợp: phương tiện di chuyển, đèn thắp sáng, hay trang phục cũng
nên thay đổi: khi làm lễ ông bà mặc áo dài truyền thống, khi quay phim
chụp ảnh, đãi quan khách thì com-lê, váy, …
Những điều
không nên thay đổi: Đừng để những đám cưới biến thành những nỗi khổ về
nợ miệng cho nhiều người, nhất là trong tình thân tộc. Cỗ bàn đãi đằng
linh đình, nhạc ráp, rok thi nhau hét inh ỏi cả vùng quê thanh vắng, …
Việc nhập
nhiều đám lại làm một có mặt lợi, nhưng cũng có những điều không hay,
khi nó đánh mất đi quá nhiều nét đẹp trong lễ quan trọng nhất của con
người, vô tình nó bị đơn giản hoá một cách quá mức …
Trần-Minh-Thương
Theo ngaytatrolai.com
Xem thêm các chủ đề: cuoi hoi, cuoi hoi tron goi, le cuoi, le an hoi, be trap, quay phim, chup anh cuoi, hoa cuoi, thiep cuoi, an hoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét