Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Tục cưới hỏi của người Kor

Người Kor có hơn hai vạn nhân khẩu cư trú trên vùng cao thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Cũng như hầu hết các dân tộc khác ở Tây Nguyên-Trường Sơn, nam nữ thanh niên bước vào cuộc sống vợ chồng khá sớm, ngay từ 16-17 tuổi.

Việc hôn nhân của các đôi nam nữ thanh niên hầu hết đều do cha mẹ hai bên quyết định thông qua hai ông mối bên nhà trai và nhà gái.
Khi con trai đã đến tuổi lập gia đình, cha mẹ chàng trai thường dành thời gian để chọn lựa cho được nàng dâu vừa ý trong đám con gái trong buôn làng. Khi đã chọn xong, họ liền hỏi ý kiến con trai. Nếu chàng trai cũng đồng ý, họ nhờ ông mối sang nhà gái để tìm hiểu và dạm hỏi.

Trường hợp nhà gái chấp thuận thì hai ông mối nhà trai, nhà gái gặp nhau để bàn bạc về đám cưới, thống nhất ngày tổ chức cũng như số lễ vật mà nhà trai đi cưới.

Ngày đầu tiên của lễ cưới, nhà trai tổ chức một đoàn gồm khoảng từ 20-30 người, trong đó có chú rể và ông mối (cha mẹ chàng rể không tham dự trong đoàn này). Khi đến cổng nhà gái, đoàn rước dâu dừng lại để đại diện họ nhà gái mang trầu cau ra mời vào nhà. Sau đó nhà gái dọn tiệc mời đoàn nhà trai dùng bữa. Khi ăn uống xong, nhà gái mới thực hiện nghi thức cúng tổ tiên, và cô dâu chú rể ăn bữa cơm đầu tiên. Lễ vật trong nghi thức này là một con gà do cha mẹ cô dâu tự làm để dâng cúng. Còn cô dâu chú rể ăn cơm thì ngồi đối diện nhau trên chiếc chiếu, ở giữa đặt cơm và thịt con gà lễ vật. Thoạt tiên, cô dâu dùng tay bốc cơm bỏ lên đầu chú rể, kế đó chú rể cũng dùng tay bốc cơm bỏ lên đầu cô dâu, mỗi người làm việc đó ba lần rồi tự bốc cơm và thức ăn từ chiếc rá lên ăn đủ ba lần. Cô dâu ăn trước, chú rể ăn sau. Khi ăn xong, chú rể bước ra khỏi phòng, nghi lễ kết thúc.

Sáng sớm hôm sau, khi ăn uống xong, nhà gái cũng bắt đầu đưa dâu sang nhà trai. Khi đoàn đưa dâu sang nhà trai, mọi thủ tục lại lần lượt thực hiện như khi ở nhà gái. Sau nghi lễ, cả hai gia đình và bạn bè cô dâu, chú rể trải qua một đêm vui vẻ tại nhà trai. Sáng hôm sau, tức ngày thứ ba của hôn lễ, khi ăn uống xong nhà gái lên đường trở về. Cô dâu cũng đi theo đoàn để về nhà cha mẹ đẻ.
Sau đó, chú rể cùng các thanh niên thuộc nhà trai mang lễ vật sang nhà gái đón dâu trở về nhà mình. Lễ vật gồm bánh và thịt. Bánh có đến hàng trăm chiếc, gói bằng lá đót. Thịt chủ yếu là thịt chuột và đùi heo. Đại diện nhà gái đón nhận lễ vật đem cúng gia tiên. Còn đoàn nhà trai ở lại nhà gái qua đêm để sáng hôm sau đưa dâu về nhà chồng và trở thành thành viên mới của gia đình chồng.
Theo hanhphuc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét