Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Hôn nhân của người Hrê

Dân tộc Hrê có khoảng 6,5 vạn người, cư trú ở vùng núi và trung du thuộc các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi), huyện An Lão (tỉnh Bình Định).

Đồng bào dân tộc Hrê thường tụ cư trong các plây, tương đương làng của người Kinh. Mỗi plây có từ 15-20 nóc nhà, xây dọc ven suối, ven sông hoặc trên khu đất đồi thấp gần nguồn nước. Một nét đẹp trong nếp sống của dân tộc Hrê là sự bình đẳng giữa vợ và chồng.

Phụ nữ Hrê thường kín đáo, nhưng trong các lễ hội họ cởi mở và vui tươi. Đây là dịp để trai gái cùng ca hát, ướm hỏi nhau. Họ hát, họ ca ngợi thiên nhiên và tình yêu lứa đôi cũng được thắp lên ngọn lửa để trai làng mạnh dạn tỏ tình với người yêu. Khi trai gái đã “đôi mắt cùng liếc, đôi lòng cùng ưa”, thì về thưa với cha mẹ đến hỏi, không cần phải có người mối lái. Nếu cha mẹ hai bên đều bằng lòng thì tổ chức một bữa tiệc rượu, một ngày ở nhà trai, một ngày ở nhà gái. Hôn nhân người Hrê còn mang tính mẫu hệ, chàng trai sau ngày cưới phải về nhà gái ở rể, chỉ những nhà giàu có mới đón cô dâu về. Bên nào lấy người về thì phải đem quần áo, kiềng bạc... đưa cho nhà kia gọi là đồ dẫn cưới. Ngày cưới mời khách trong các plây uống rượu hai ba ngày liền. Nhiều cặp trai gái yêu nhau nhưng cha mẹ không đồng ý thì họ không cần cưới hỏi, lại đưa nhau ra rừng làm nhà ở, sống tự lập. Con trai góa vợ, gái góa chồng mà muốn đi bước nữa thì dẫn thêm một con trâu và một mảnh đất chừng ba sào mới được cưới. Vợ chồng lấy nhau thường ở chung với bố mẹ đến khi có con thì ra ở riêng.

Trong lễ cưới truyền thống của người Hrê có một sắc thái riêng trong từng tuần tự nghi lễ, mang ý nghĩa giáo dục thiêng liêng, ràng buộc sống thủy chung. Lễ cưới thường tổ chức nửa đêm về sáng. Họ cho rằng đây là giờ phút giao hòa của đất trời, các thần linh mới chứng kiến toàn bộ nghi lễ, ban hạnh phúc và ấm no cho đôi lứa. Gia đình hai bên đều ăn mặc đẹp, nhưng cô dâu và cô phụ dâu lại ăn mặc rất giản dị, đầu trùm khăn che kín mặt để không ai nhận ra. Họ cho rằng làm như vậy để đánh lừa ma quỷ và bảo vệ an toàn cho cô dâu. Trong lễ cưới có nghi thức trao nắm cơm và đeo chỉ đỏ của cô dâu và chú rể. Người Hrê quan niệm rằng, rượu thịt trong ngày cưới thì mọi người đã ăn hết rồi, đôi lứa chỉ còn giữ lại vật thiêng liêng là nắm cơm và sợi chỉ đỏ. Hai kỷ vật này được họ cất giữ trong một hộp gỗ, đặt phía trên cánh cửa chính của căn nhà mà lúc nào họ cũng nhìn thấy. Khi một trong hai người chết trước, người còn sống sẽ vẫn giữ kỷ vật này cho đến khi mình chết thì được đem chôn chung. Những bài hát ru, hát tỏ tình, trai gái Hrê vẫn thường cất lên:

Còn chờ đợi gì nữa mà không chịu nhận nắm cơm anh trao
Còn chờ đợi gì nữa mà không chịu đeo sợi chỉ đỏ này
Sợi chỉ cột tình anh, sợi chỉ cột tình em
Hay em chê nhà anh không đủ trâu làm thịt đãi dân làng
Không đủ rượu cần cho dân làng say ngày cưới....

Phong tục hôn nhân của người Hrê có những điều cấm kỵ khắt khe, như trai gái đồng tông không được lấy nhau. Nếu ai vi phạm mà bị phát hiện thì làng họp bắt tội, tịch thu tài sản cả hai gia đình đem chia đều cho họ hàng hai bên... Phong tục Hrê cấm con dâu ăn cơm cùng rá với bố chồng, cấm con rể ăn cơm cùng rá với mẹ vợ. Gái chưa chồng không bao giờ để hở ngực, còn gái đã có chồng và bắt đầu mang bầu là để ngực trần, không mặc yếm nữa. Người phụ nữ sau khi sinh con, chỉ năm ngày sau đã đi làm như thường, con địu sau lưng. Nếu chồng chết một năm có thể tái giá để có người đàn ông làm các việc nặng nhọc trong nhà.
Theo hanhphuc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét