Nhân Lễ hội văn hóa - du lịch các dân tộc miền núi
Quảng Nam vừa khai diễn tại các huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn,
xin giới thiệu đến độc giả tục cưới hỏi của người Cơtu - một phong tục
tập quán đặc trưng ở vùng núi Quảng Nam qua biên khảo của nhà nghiên cứu
Nguyễn Giao Thủy.
Việc cưới xin của người Cơtu có phần giống với người
Kinh hơn các dân tộc thiểu số khác. Có thể kể theo trình tự một số nghi
thức sau đây :
Đầu tiên là lễ chạm ngõ (Ganoo),
phần lớn là do người mai mối thực hiện. Sau lễ hỏi một thời gian là lễ
cưới. Thời gian giữa lễ hỏi và lễ cưới ngắn hay dài là tùy theo hai gia
đình, có khi chủ yếu là tùy già làng, vì nếu già làng không xin phép
được thần linh trong năm, thì lễ cưới đành phải đợi đến năm sau.
Lễ
cưới (Bhrớ Bhiêc) của người Cơtu tổ chức tương đối quy mô. Cũng giống
như người Kinh, sau lễ cưới người Cơtu có tục đưa dâu về nhà chồng
(Dơơng Acoon Chôdông CuDik). Tới đây thì phong tục cưới hỏi của người
Cơtu có sự khác biệt với người Kinh ở đồng bằng. Họ có thêm một lễ nữa,
được tổ chức ba năm sau lễ cưới, đó là lễ ăn Zum của vợ chồng (Pazum).
Nói là một lễ ăn Zum, nhưng thực ra phải đến hai lễ, vì trước khi có lễ
ăn Zum chính thức diễn ra, phải có sự thương lượng, thường là với họ tộc
và già làng, và đó là lễ định ăn Zum (Prơdăh Zum). Thực chất, lễ ăn Zum
gần như là thêm một lễ cưới nữa.
Theo tập tục của
xã hội người Cơtu, cha mẹ của các cô gái thích chọn những chàng trai
giỏi làm việc, đã tự tạo ra được của cải, được cụ thể hóa bằng con trâu,
cái ché. Nhưng trong một vài trường hợp, những chàng trai con nhà khá
giả cũng có thể nhờ cha mẹ mua sắm cho những lễ vật đó. Sau khi ông mai
hoặc bà mai đã thương lượng định được ngày hỏi vợ cho con mình, ngoài
trầu rượu, nhà trai chủ yếu còn phải nộp cho nhà gái những cái ché. Ché
này về sau sẽ thành bình chứa những đồ vật quý để dành cho vợ chồng trẻ.
Đám hỏi có hàng chục người già, trẻ cùng tham dự. Còn sau khi đã chọn
được ngày cưới, thì bên nhà trai phải chọn những người lớn tuổi, có kiến
thức, có lý lẽ, và nhất là biết đối đáp, để đến nhà gái. Chính những
người này, bằng lối hát lý, sẽ thương lượng mọi chuyện với nhà gái.
Ngược lại, phía nhà gái cũng phải lo chọn những người có uy tín, có lý
lẽ khôn ngoan nhất để hát lý đối đáp với phía nhà trai. Hai họ trao đổi
với nhau bằng những lời hát lý như vậy quanh những ché rượu.
Vào
ngày cưới, đoàn người từ nhà trai kéo đến nhà gái, mang theo những ché
rượu, gạo, nếp, dắt theo con trâu, và khiêng theo cả chiếc quan tài bằng
gỗ... Lễ cưới diễn ra theo đúng luật tục. Con trâu được buộc vào cây
nêu trồng sẵn trước sân nhà. Mọi người dự lễ cưới đều cùng nhau nhảy múa
theo nhịp cồng chiêng. Sau những nghi thức giản dị của chủ nhà (đàng
gái) và của già làng, là đến lễ đâm trâu. Một người đàn ông lực lưỡng
dẫn đầu đoàn nhảy múa, tay cầm cây lao nhọn, đâm vào cổ họng con trâu.
Nếu chỉ đâm một lần mà con trâu ngã quỵ là điềm lành. Nếu không, đoàn
nhảy múa lại tiếp tục theo nhịp cồng chiêng, theo vòng tròn, để lại tiếp
tục đâm trâu, cho đến khi con trâu hoàn toàn không gượng được nữa, ngã
quỵ. Thịt con trâu được xẻ ngay ra, dành một phần để nấu nướng chiêu đãi
mọi người; phần thịt còn lại được đem chia đều cho mọi người trong làng
của nhà gái.
Ba năm sau lễ cưới là lễ ăn Zum. Nhà
gái làm thịt một con gà, nấu một mâm xôi, đặt trước bàn thờ. Cha mẹ đôi
bên đều có mặt. Chủ nhà cúng vái thần linh, cầu cho vợ chồng trẻ khỏe
mạnh, tự làm ra được cái ăn, sanh nhiều con cái. Sau phần lễ nghi, xôi
và thịt gà được dành riêng cho vợ chồng trẻ. Họ ngồi, cùng nhau ăn, bốc
thức ăn bỏ cho nhau, và cùng uống chung một bát rượu.
Sau
lễ ăn Zum, người con gái từ nay phải về ở hẳn bên nhà chồng, không còn
lui tới nhà cha mẹ đẻ của mình nữa. Chiếc quan tài bằng gỗ đã được nhà
trai khiêng qua nhà gái trong ngày cưới trước đó chính là để dành cho cô
dâu báo hiếu cha mẹ mình, vì từ sau lễ ăn Zum nàng không còn được lui
tới thăm viếng, chăm sóc cha mẹ ruột của mình nữa. Rủi cha mẹ có nhắm
mắt qua đời, nàng cũng không được có mặt để an ủi hoặc nghe lời trối
trăng, dặn bảo. Chiếc quan tài gỗ chính là vật báo hiếu của người con
gái, để cha mẹ nàng được ấm thân khi lìa đời, dù không có nàng bên cạnh.
Các
già làng Cơtu kể rằng, cách đây năm, sáu mươi năm, những gia đình người
Cơtu giàu có thường còn có tục tổ chức “cướp vợ”. Ngày nay, tập tục ấy
đã mất hẳn.
Nguyễn Giao Thủy
Xem thêm các chủ đề: cuoi hoi, cuoi hoi tron goi, le cuoi, le an hoi, be trap, quay phim, chup anh cuoi, hoa cuoi, thiep cuoi, an hoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét