Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Tục đặt cau của người Dao Thanh Phán

Trong các nghi lễ cưới xin của người Dao Thanh Phán (một nhánh của dân tộc Dao) có một tập tục rất lạ, đó là tục đặt cau. Thủ tục lễ đặt cau rất đơn giản. Lễ vật chính là hai quả cau to và tươi được bọc trong một chiếc khăn trắng, rồi để vào lòng một chiếc bát đặt trên mâm. Lễ vật phụ là một số thực phẩm thông thường như thịt lợn, lạc, trứng và rượu. Tuy nhiên, số lượng những lễ vật đó rất nhỏ, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Khi đưa lễ, nhà trai phải cử người trong họ, gia đình như ông trưởng họ, bố mẹ, anh trai bưng mâm cau sang nhà gái. Sau đó, đại diện nhà gái và nhà trai cùng bưng mâm cau đặt lên ban thờ hoặc một vị trí cao thoáng đối diện với cửa ra vào trong trường hợp nhà gái không có ban thờ. Khi nhà gái nhận lễ đặt cau mà không mang trả lại tức là cô gái và gia đình đã đồng ý. Cô gái chỉ còn chờ ngày nhà trai đến lo tổ chức đám cưới, rước dâu là về nhà chồng. Ngược lại, nếu không đồng ý, họ sẽ đem trả lễ đặt cau và có thể trả nhiều lần nếu nhà trai cố tình đặt tiếp sau khi bị trả lễ. Việc trả cau cũng rất đơn giản, nhà gái chỉ việc sắm hai quả cau tươi mang sang nhà trai, nhà trai phải hoàn toàn vui vẻ nhận lại lễ. Nếu nhà trai vẫn có ý định nhận cô gái về làm dâu thì lại đem cau đến đặt tiếp. Thường thì cô gái nào cũng đem trả một lần lấy lệ.

Lễ đặt cau của người Dao Thanh Phán có ý nghĩa gần giống lễ dạm ngõ hay lễ ăn hỏi của người Kinh. Ngày đặt cau là ngày nhà trai chính thức đến nhà gái xin ra mắt chàng trai và xin cho định ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới, rước cô gái về làm dâu trong nhà. Tuy nhiên, cái lạ của tập tục này là nhà trai có thể đặt cau “mò” và đặt nhiều lần, không nhất thiết phải có điều kiện cô gái phải biết mặt, phải quý mến chàng trai. Nhiều trường hợp ý thích chỉ có từ phía chàng trai nhưng họ cứ giục bố mẹ mang trầu cau tới đặt để thăm dò thái độ, tình cảm của cô gái. Trường hợp cả người con trai và người con gái chưa biết mặt nhau nhưng gia đình nhà trai đã để ý đến cô gái, vậy là nhà trai cũng dò hỏi ngày sinh tháng đẻ của cô gái rồi đem cau đến đặt.

Chàng trai có thể đặt cau bốn, năm lần và vẫn có thể đặt cau tiếp nếu nhà gái không có lời đề nghị nhà trai không đến đặt cau nữa. Tập tục này có phần làm cho cả chàng trai và cô gái đều bị động. Cô gái có thể không thích chàng trai còn chàng trai đến đặt cau thì phấp phỏng chờ đợi và dù lễ không bị trả nhưng cũng không dám chắc là được. Điểm này hoàn toàn khác với lễ ăn hỏi của người Kinh. Đối với người Kinh, khi đã có lễ ăn hỏi là đã có một sự sắp đặt chắc chắn, thường không có sự thay đổi nếu không có biến cố xảy ra. Bởi vì trước đó cô gái và chàng trai đã có sự tìm hiểu nhau kỹ càng và quyết định đi đến hôn nhân, cô gái chỉ còn chờ ngày lên xe hoa về nhà chồng.

Hiện nay, tục đặt cau của người Dao Thanh Phán đã đổi khác nhiều. Tỷ lệ hai bên trai gái có quen biết, tìm hiểu nhau rồi mới làm lễ đặt cau chiếm đa số, trường hợp đặt cau “mò” chỉ diễn ra ở các chàng trai, cô gái nhút nhát và hay thẹn thùng. Tuy nhiên nhiều đôi trong số đó đã sống hạnh phúc sau lễ cưới vì lễ đặt cau đã cho họ làm quen, bày tỏ, tìm hiểu về nhau.
Theo hanhphuc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét