1- Luật tục của các dân tộc thiểu số ở
Tây Nguyên với nhiều tên gọi khác nhau như Phạtkđi hay Biđuê của người Ê
Đê, Phạtkđuôi của người M Nông, Tơlơidjuat hay Tơlơiphian của người Gia
Rai, Ađatmuca của người Ra Glai, Dâytơrônkđi của người Mạ, Nri của
người S Rê… được coi là sự biểu hiện thái độ ứng xử của con người với
môi trường tự nhiên và cộng đồng xã hội. Bên cạnh mặt hạn chế, nhìn
chung các bộ luật trên trong một chừng mực nhất định, vẫn phát huy tác
dụng tích cực trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Luật tục đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống tộc người
từ môi trường tự nhiên, quan hệ sản xuất và sở hữu, tổ chức và các quan
hệ xã hội, phong tục tập quán, hôn nhân và gia đình…2- Trước hết phải thấy rằng, xã hội truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M Nông, Gia Rai… là xã hội mẫu hệ. Dòng họ mẹ thống trị mọi mặt trong đời sống xã hội như quyền thừa kế tài sản, hôn nhân và gia đình. Do vậy, luật tục là công cụ hữu hiệu để bảo vệ xã hội mẫu hệ, khẳng định vai trò của dòng họ nữ, khẳng định vị trí to lớn của người phụ nữ trong xã hội.
Trong luật tục Ê Đê, mọi của cải trong gia đình do người phụ nữ quản lý, giữ gìn cho tổ tiên dòng họ. Luật tục nói rõ : “Dù là cái chén sứ con, cái bát đồng nhỏ hay những đồ lặt vặt cũng không được cả gan đem bán đi để ăn mà phải mãi mãi cất giữ.
Từ những cái gùi Gia Rai (có nắp đậy) đến những cái sọt, cái túi, cái nải và những đồ lặt vặt, người chị cả đại diện cho người mẹ là người có nhiệm vụ chăm nom, giữ gìn.
Tất cả những cái bát vỏ bầu, cái thúng đựng tro, cái hòn để mài, các cái trã để luộc rau, người chị cả là người phải bảo quản.
Các ché tuk đỏ, các ché êbak Mnông, các vòng đeo tay, các chén bát đẹp bằng bạc bằng vàng là những của cải quý giá do tổ tiên xưa kia giàu có để lại, chính người chị cả là người phải giữ gìn” (1).
Tài sản trong gia đình đều thuộc về quyền quản lý của người mẹ hay người đại diện cho mẹ là chị cả. Việc thừa kế tài sản chỉ thực hiện theo dòng họ nữ. Khi vợ chết, mọi của cải và cả con cái đều thuộc về phía gia đình vợ (dì, bà ngoại) quản lý, còn người chồng phải trở về sinh sống với cha mẹ mình mà không được mang theo tài sản và con cái. Trong trường hợp người chồng được gia đình bên vợ cho nối dây (lấy em vợ) thì cùng với vợ tiếp tục quản lý con cái và tài sản đó.
Công việc quản lý và phân chia tài sản được tiến hành như sau : nếu gia đình có nhiều chị em sống chung với nhau, thì số tài sản, của cải đó do người con gái lớn nhất quản lý. Trường hợp có người đi lấy chồng và ra ở riêng thì mới phân chia cho họ một phần. Các anh em trai đều không được chia phần trong số tài sản đó. Nếu không có các con gái thì các con trai về ở với bà ngoại hoặc các dì và số tài sản do mẹ để lại thuộc về bà hoặc các dì.
Như vậy, luật tục Ê Đê về thừa kế tài sản có phần ưu ái với phụ nữ mà không bình đẳng giữa chồng và vợ, giữa trai và gái, gia đình chồng và gia đình vợ. Quy định này không phù hợp với pháp luật dân sự hiện hành.
3. Ở các dân tộc Ê Đê, M Nông, Gia Rai… quan hệ hôn nhân theo chế độ mẫu hệ. Theo tập tục này, người phụ nữ đóng vai trò chủ động cưới chồng, người chồng sinh sống bên nhà vợ và con cái sinh ra mang họ mẹ. Nhìn chung, quan hệ hôn nhân của các dân tộc thiểu số kể trên là tự nguyện. Trai gái đến tuổi trưởng thành tự do yêu đương, tự do tìm hiểu người bạn đời của mình mà không phải chịu sức ép nào cả. Đây là nét tiến bộ quan trọng trong quan hệ hôn nhân. Luật tục đã chỉ rõ điều đó : “Trâu bò không ai ép thừng, trai gái không ai ép duyên. Nếu hai người ưng nhau muốn lấy nhau thì vòng cứ đặt trên chiếu, tự họ họ sẽ cầm lấy, không một ai cầm trao cho họ” (2).
Họ là đôi trai gái không ai ép phải nhận vòng đồng, chuỗi cườm của nhau. Ngay cả những người làm mai mối cũng không có quyền ép buộc : “Nếu anh bằng lòng lấy người ta thì cái vòng đồng để trên chiếu anh hãy cầm lấy. Chúng tôi là người hỏi người mối, chúng tôi không cầm trao tận tay anh đâu kẻo mai kia anh lại bảo những người mối kia ép anh” (3).
Nhìn chung, hôn nhân trong xã hội mẫu hệ theo chế độ một vợ một chồng. Thế nhưng trong cuộc sống, những kẻ có thế lực, giàu có lại muốn lấy nhiều vợ. Trong trường hợp này, người chồng phải thực hiện việc đền bù vật chất cho vợ cả :
Ché tặng bên vợ phải đủ
Của tặng bên vợ phải đủ
Của chuộc vợ phải đầy đủ (4)
Người phụ nữ có quyền đòi người chồng nộp đầy đủ của cải đền bù về việc vi phạm phong tục truyền thống của mình.
Ở người Ê Đê, tục “nối nòi” (chuê nuê) được luật tục bảo vệ nghiêm ngặt, cũng giống như : “Dầm nhà gãy thì phải thay, dát sàn nát thì phải thế. Chết người này thì phải nối bằng người khác”(5). Theo đó, khi chồng chết, người đàn bà có quyền đòi hỏi nhà chồng một người em trai chồng để nối nòi. Ngược lại, người vợ chết, chồng bà ta có thể lấy em gái vợ để nối nòi.
Cũng có khi tục nối nòi truyền thống vượt ra ngoài phạm vi hôn nhân chị em vợ và hôn nhân anh em chồng. Chẳng hạn, khi cậu (amiêt) chết thì nối lại bằng cháu (a muôn), bà (a chuôn) chết cũng được nối lại bằng cháu.
Tập quán của người Gia Rai không để cho người đàn bà chịu cảnh góa bụa, bất hạnh suốt đời mà cho họ đi bước nữa “để nối lại sợi dây bị đứt”, “không để bếp lò rạn nứt, ngôi nhà bị thủng”, “không để nỗi buồn trùm lấp” :
Khi Bút chết, phải lấy Bang
Khi ngôi nhà lợp tranh dong đổ, phải dựng ngôi nhà lợp tranh …
Nếu cậu chết, phải lấy cháu
Những chiếc xà đỡ lấy sàn
Những chiếc xà đỡ lấy mái (6)
Luật tục Gia Rai cho phép người đàn bà có chồng chết được quyền lấy cháu ruột của người chồng đó. Việc lấy trong dòng họ tạo nên mối quan hệ bền chặt của dòng họ đó, cũng giống như mối quan hệ giữa các thanh xà với sàn nhà và mái nhà trong một ngôi nhà. Đó là quyền được duy trì nòi giống, huyết thống, duy trì sự tồn tại của dòng họ.
Tuy nhiên, tính khắt khe của tập tục nối nòi đã khiến cho nhiều người phụ nữ rơi vào tình trạng bất hạnh, chịu cảnh khốn khổ về chênh lệch tuổi tác. Đây quả là vấn đề hết sức phức tạp. Nếu không chịu “nối nòi” thì vi phạm luật tục, nhưng nếu chấp nhận “nối nòi” mà quá chênh lệch tuổi tác thì vi phạm pháp luật nhà nước hiện hành. Do đó phải có biện pháp hữu hiệu nhằm tuyên truyền giải thích để hạn chế tình trạng này là việc làm cần thiết.
Trong hôn nhân, sống thủy chung là đòi hỏi chính đáng : “Đã lấy vợ thì phải ở với vợ cho đến chết, đã cầm cần mời rượu thì phải vào cuộc cho đến khi rượu nhạt, đã đánh cồng thì phải đánh cho đến khi người ta giữ tay lại”(7).
Tập quán của các dân tộc thiểu số thường bênh vực, bảo vệ các cuộc hôn nhân hợp với phong tục, trị tội những kẻ làm trái, làm cản trở hôn nhân, đồng thời lên án, phê phán quyết liệt những cuộc hôn nhân không theo phong tục như cưới xin không báo cho buôn làng, không nộp đủ đồ lễ cưới… Còn nếu người chồng có ý định ly hôn thì việc đầu tiên anh ta phải nộp của cải, đền bù vật chất theo nguyên tắc một đền hai :
Kẻ nào gây ra việc này
Phải đền thịt, rượu cần, lễ cưới
Đồ vật một nó phải trả hai
Chém con trâu làm lễ ly hôn
Đối với những người chồng lười biếng, không chăm sóc vợ con, thì luật tục cho phép người vợ có quyền đi lấy chồng khác và tất nhiên, mọi của cải thuộc về người phụ nữ :
Lợn cưới sẽ mất
Ché cưới sẽ mất
Nhà chồng không được thắc mắc
Nhà chồng không được bắt tội
Sau đó vợ có quyền đi lấy chồng khác (8)
Lễ trao vòng (ba kông hay dja kông) của người Gia Rai tương tự như lễ dạm hỏi của người Kinh (Việt), nhưng có ý nghĩa quan trọng hơn. Lễ này do nhà gái tiến hành, chủ động sang phía nhà trai dạm hỏi. Sau lễ trao vòng, đôi trai gái đã có thể ở với nhau với điều kiện không được có con trước khi tổ chức lễ cưới chính thức. Việc trả vòng đồng nghĩa với việc từ chối đám cưới và lúc này, hai bên có thể tự do tìm bạn tình mới, giao ước hôn nhân giữa hai gia đình coi như được xóa bỏ. Luật tục bênh vực quyền lợi chính đáng của người phụ nữ :
Của cải tôi sẽ lấy lại
Trâu bò lấy lại hết
Để tìm vợ tìm chồng không ai nói nữa
Tôi gặp ai yêu thương tôi
Tôi phải lấy làm chồng (9)
Nếu người con trai đơn phương không thực hiện lời giao ước sau lễ trao vòng, anh ta phải bồi thường danh dự cho cô gái đó, mức bồi thường có khi là cả một con bò.
Trường hợp hai vợ chồng đã có con với nhau nhưng vì lý do nào đó người chồng bỏ vợ, tập tục Gia Rai bênh vực quyền lợi của người phụ nữ trong việc đền bù vật chất của cải và xử phạt người chồng rất nặng vì anh ta không phải nuôi con :
Hai vợ chồng đã có một hai đứa con
Nếu chồng bỏ vợ
Đền cho mỗi đứa con một con bò
Đền cho vợ một bộ chiêng (10)
Hay :
Nay anh đã dẫm chân lên chiếu
Đã bước chân qua đầu tôi
Anh muốn lấy người khác
Anh sẽ phải đền
Bao nhiêu ché rượu, bao nhiêu heo anh phải trả (11)
Những quy định xử phạt nặng của luật tục đối với người chồng đã hạn chế tình trạng bỏ bê vợ con, chểnh mảng công việc làm ăn, hạn chế tình trạng ly hôn trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Điều đó có tác động tích cực trong việc củng cố quan hệ vợ chồng, gia đình, bảo vệ lợi ích của người phụ nữ.
Luật tục các dân tộc thiểu số có nhiều điều bênh vực quyền và lợi ích của người phụ nữ. Điều này thể hiện rất rõ trong những vụ xét xử có liên quan đến người phụ nữ, thì ý kiến của họ thường được khoa phạt kđi (người xử kiện) coi trọng. Luật tục Ê Đê có câu : “Êbuh mniê djê êkei” (con gái ngã là con trai chết). Theo đó, nếu người phụ nữ đã khai thì dù có hay không, người đàn ông cũng bị quy tội là đã có quan hệ bất chính với chị ta. Tiếp đó, nếu người đàn ông có vợ sẽ bị vợ phạt. Nói chung, người ta tin lời nói của người phụ nữ, mặc dù có khi sự thật là không có. Trong vấn đề ly hôn, lỗi của người phụ nữ bao giờ cũng được đánh giá nhẹ hơn so với đàn ông. Khi giải quyết các vụ kiện ly hôn, người ta vẫn có những quy định ưu tiên quyền lợi của phụ nữ.
Tập tục của người Ê Đê, Gia Rai cho phép người phụ nữ có quyền “đi bước nữa” trong trường hợp người phụ nữ đó có chồng đi vắng lâu năm, không còn chờ đợi được nữa. Trường hợp khác, khi người chồng bị cầm tù hay bị bắt làm nô lệ, luật tục không bắt buộc người vợ phải chờ mà có thể đi lấy chồng khác. Điều này được luật tục Êđê biện luận như sau : “Chị ta đã mòn mỏi trông chờ, đã già đi, công việc nương rẫy lại không có người làm. Chòi không có ai đi thăm, rẫy không có ai đi phát, con két, con vẹt không có ai xua đuổi. Chị ta đã chờ hết năm này qua năm khác, hết mùa khô này đến mùa khô khác. Đã đến lúc phải thôi đi những năm tháng đợi, phải để chị ta kiếm người chồng khác, một đời chồng thứ hai” (12). Phong tục cho phép người phụ nữ đó mời họ hàng đến để thưa chuyện và sau đó được quyền đi lấy chồng khác.
4- Tập quán của nhiều dân tộc thiểu số rất quan tâm đến trẻ em bởi trẻ em là hình ảnh ngày mai của mỗi dân tộc. Do đó, nhiều tập tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lớp người nhỏ tuổi này. Luật tục phê phán những ông bố bà mẹ không biết nuôi dạy, chăm sóc con cái, thậm chí còn bỏ rơi hoặc đẩy những đứa trẻ đáng thương ra ngoài đường:
Chúng còn nhỏ còn bé
Anh chị bỏ rơi nó
Anh chị không thương chúng
Chúng nó đâu phải là dê con, là bò con mà chỉ biết ăn cỏ
Vì sao anh chị lại đuổi chúng ra ngoài đường (13)
Trách nhiệm của cha mẹ là phải làm lụng để nuôi dạy con cái nên người, chăm sóc chúng đến khi trưởng thành. Trong trường hợp trẻ con chưa có khả năng tự chủ, nuôi sống bản thân mà chẳng may cha mẹ mất sớm hoặc không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng, thì trách nhiệm đó thuộc về anh chị em ruột của người đó. Nếu không có anh em ruột hoặc có nhưng còn nhỏ thì bà con họ hàng bên phía mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc, rồi đến họ hàng của bố. Trong trường hợp họ hàng không còn ai thì buôn làng vận động người khác nhận làm con nuôi. Điều đó thể hiện sự quan tâm của gia đình và cộng đồng làng buôn đối với trẻ em. Quy định này của tập quán là phù hợp với pháp luật hiện hành, cần được khuyến khích.
Trách nhiệm nuôi nấng, chăm sóc trẻ em là bổn phận của bậc làm cha mẹ, gia đình và cộng đồng làng buôn. Tập quán của đồng bào các dân tộc phê phán những ông bố, bà mẹ không làm trọn bổn phận của mình, thậm chí còn bỏ rơi con trẻ :
Ống cháo sao bỏ bãi cỏ
Ống cá sao bỏ giữa buôn
Có con sao bỏ cho ai
Cha mẹ bỏ rơi con, có tội (14)
Đối với những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ do nhiều hoàn cảnh khác nhau xô đẩy, có thể do cha mẹ chúng vô trách nhiệm, không thể nuôi nổi chúng vì quá nghèo khổ hoặc rơi vào hoàn cảnh éo le cha mẹ không may bị mất sớm khi tuổi chúng hãy còn nhỏ dại, luật tục cho phép quyền được nhận con nuôi :
Tôi thấy chuột ở ngoài rừng
Thấy kỳ nhông ở ngoài làng
Thấy mang ở trong bụi cây
Thấy rái cá ở trong nước
Thấy vượn ở trên núi
Đến cửa nhà tôi
Tôi phải nuôi nấng chúng thôi (15)
Luật tục cho phép mọi người dân có quyền nhận người khác làm con nuôi hoặc được người khác nhận làm con nuôi mà không phân biệt họ hàng dòng tộc. Việc nhận con nuôi chỉ cần có sự thỏa thuận giữa bà con họ hàng đôi bên và mặc nhiên được buôn làng chấp thuận. Con nuôi có đủ các quyền và nghĩa vụ như con đẻ, được tôn trọng và đối xử bình đẳng, kể cả quyền được nhận tài sản thừa kế :
Nếu nó sống hiền lành tử tế
Biết làm vựa lúa, làm rẫy tốt
Của cải tiền nong, sáp ong của người ta
Sẽ được chia cho nó (16)
Nhận con nuôi không phải để bắt chúng làm việc như người hầu, đứa ở trong nhà, càng không được bán hoặc đổi lấy lúa, đổi lấy muối, mà phải đối xử tử tế, phải chăm sóc dạy dỗ đến nơi đến chốn, vì nuôi trẻ mồ côi không tử tế là mang tội. Luật tục khuyên bảo những người có lòng tốt hãy ra tay làm phúc cứu vớt những trẻ mồ côi. Theo quan niệm dân gian, nếu nuôi những đứa trẻ mồ côi thì điều may mắn, tốt lành sẽ đến với người làm phúc.
Ta xem thường người mồ côi là có tội
Ta từ chối con nuôi sẽ nghèo
Ta đem nó về nuôi sẽ giàu
Ta đem nó về nuôi sẽ sang (17)
Có thể nói luật tục quy định về con nuôi là khá cụ thể và phù hợp với pháp luật hiện hành. Điều đó thể hiện trách nhiệm chung của cộng đồng làng buôn, của gia đình đối với trẻ em.
Một trong những tội bị luật tục lên án gay gắt nhất, mạnh mẽ nhất là tội hãm hiếp trẻ con và được khép vào loại tội lớn nhất, dơ dáy nhất mà không một vật chất nào đền bù thỏa đáng :
Hãm hiếp trẻ con là tội lớn
Trả bằng trâu chưa khớp
Trả bằng ché chưa đúng
Trả bản thân cũng chưa xong
Luật tục coi tội hãm hiếp trẻ con là tội không thể xóa sạch : Hãm hiếp trẻ con xóa không sạch (18).
5- Tập tục truyền thống của các dân tộc có nhiều điều đề cập đến quyền của người phụ nữ và trẻ em. Nhiều điều quy định đến nay vẫn có giá trị và phù hợp với pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những điều luật đề cao và bênh vực người phụ nữ thì còn không ít những tập tục tỏ ra không phù hợp, thậm chí lạc hậu. Có những tập tục xử phạt người phụ nữ quá nặng như tội ngoại tình, loạn luân, hay quan hệ tình dục trước hôn nhân. Chẳng hạn, dân tộc Xê Đăng cư trú ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum quy định, nếu phụ nữ có thai trước khi cưới sẽ bị phạt heo và rượu để cả buôn làng cùng uống. Còn theo tập quán của người Xê Đăng ở huyện Kon Plông, nếu người phụ nữ có thai trước khi cưới thì gia đình, họ hàng, buôn làng không giúp đỡ mà hai người tự tổ chức lấy, trường hợp không cưới sẽ bị phạt một con bò và 10 ché rượu (19).
Trong những năm đổi mới, đời sống kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đang dần dần tác động và thay thế nền kinh tế nương rẫy tự nhiên. Việc giao lưu văn hóa có ảnh hưởng nhất định đến lối sống, phong tục tập quán, tạo nên những biến đổi trong đời sống. Điều đó đã và đang tác động mạnh mẽ đến luật tục, làm cho một số điều luật không còn tác dụng hoặc bị thay đổi. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải điều chỉnh luật tục cho phù hợp với pháp luật Nhà nước hiện hành. Việc điều chỉnh luật tục phải trên cơ sở phong tục và truyền thống văn hóa của mỗi cộng đồng tộc người, nhằm bảo đảm sự bình đẳng về mọi mặt cho phụ nữ và trẻ em phù hợp với tình hình hiện nay. Có như vậy, việc điều chỉnh mới có tác dụng và luật pháp mới thực sự đi vào cuộc sống. Theo http://tourdulichtaynguyen
Xem thêm các chủ đề: cuoi hoi, cuoi hoi tron goi, le cuoi, le an hoi, be trap, quay phim, chup anh cuoi, hoa cuoi, thiep cuoi, an hoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét