Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Dây tơ hồng của một số dân tộc Việt Nam

Các dân tộc Việt Nam, trong tập tục cưới hỏi đều có những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt trong hôn lễ của lứa đôi có những kỷ vật thiêng liêng để ràng buộc cho hạnh phúc hôn nhân luôn bền vững.

Người Việt có dây tơ hồng gồm hai sợi dây bện xoắn xuýt vào nhau như cuộn thừng mà ông tơ bà nguyệt đã bỏ công vun đắp. Hình ảnh dây tơ hồng mà cha ông ta đã khắc chạm trên thạp và trống đồng hoặc ý nghĩa của dây tơ hồng đã tạo nên con rồng huyền thoại, biểu tượng tâm linh vật tổ (Totem) của người Việt và người Mường.

Với dân tộc Thái ở miền Tây Bắc, trên khăn piêu có xai peng (dây tình) khi trao tặng cho nhau là sự trao đổi tình cảm: Con người tôi luôn ở bên bạn và ngược lại, hình ảnh bạn như chiếc khăn piêu luôn luôn ở bên tôi! Người phụ nữ Thái vốn rất nổi tiếng về bàn tay khéo léo trong việc thêu dệt. Chiếc khăn piêu là một sải vải bông nhuộm màu chàm, được thêu thùa đủ màu sắc rất công phu. Khăn thêu duyên dáng nhờ những chiếc cúc đính ở hai đầu piêu. Cúc piêu được làm từ những miếng vải đỏ rộng chừng 1cm, bên trong bọc lõi chỉ và được cuộn tròn lại. Cúc piêu thường được sắp xếp thành chùm lẻ, từ 3, 5, 7 cái, các vị trí cách đều nhau ở hai đầu khăn. Xai peng thêu trên khăn piêu được cô gái Thái đội lên đầu che phòng khi nắng, khi rét và là vật trang sức. Đó cũng là biểu tượng của tình yêu lứa đôi như sợi dây vô hình buộc chặt lấy nhau cho hạnh phúc vĩnh cửu. Khi về già, nếu một trong hai người từ giã cuộc đời thì khăn piêu được cắt đôi, người chết một nửa đặt vào quan tài, người sống một nửa để gối lên đầu giường.

Trong rất nhiều tập tục diễo ra trong nbày cưới của dân tộc H’rê, ở vùng núi Bình Định và Quảng Ngãi, có nghi lễ trao nắm cơm và đeo chỉ đỏ của cô dâu và chú rể, xem đây là phần chính trong toàn bộ nghi lễ cưới hỏi. Người H’rê quan niệm rằng, rượu thịt trong ngày cưới thì mọi người đã ăn hết rồi, đôi lứa chỉ còn giữ lại vật thiêng liêng là nắm cơm và sợi chỉ đỏ. Hai kỷ vật này được họ cất giữ trong một hộp gỗ, đặt phía trên cánh cửa chính của căn nhà mà lúc nào họ cũng nhìn thấy. Khi một trong hai người chết trước, người còn sống vẫn sẽ giữ gìn kỷ vật này cho đến khi mình chết thì được đem chôn chung. Những bài hát ru, hát tỏ tình, trai gái H’rê vẫn thường ca lên:

Còn chờ đợi gì nữa mà không chịu nhận nắm cơm anh trao

Còn chờ đợi gì nữa mà không chịu đeo sợi chỉ đỏ này

Sợi chỉ cột tình anh, sợi chỉ cột tình em

Hay em chê nhà anh không đủ trâu làm thịt đãi dân làng

Không đủ rượu cần cho dân làng say ngày cưới...
Theo hanhphuc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét