Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Hôn nhân và tục hát cưới của người Sán Chí ở Lục Ngạn

Lục Ngạn là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang. Người Sán Chí sống rải rác trong nhiều xã của huyện, nhưng tập trung chủ yếu ở 2 xã là Kiên Lao (3.596 người) và Xa Lý (1.980 người). Ở các xã này, người Sán Chí chung sống với người Kinh, Tày hoặc Nùng. Cũng như các dân tộc khác, người Sán Chí rất coi trọng quan hệ hôn nhân.

Trước đây, người Sán Chí thường chỉ kết hôn trong nội bộ dân tộc mình, người cùng họ không được lấy nhau. Tuy nhiên hiện nay đã có sự kết hôn không đồng tộc nhưng chủ yếu là trong trường hợp đi làm ở nơi khác hoặc là đi công tác thoát ly khỏi gia đình. Việc kết hôn đã diễn ra giữa người trong cùng một họ nhưng phải khác nhóm, không có quan hệ huyết thống và không cùng chung một ma tổ tiên.

Trong quan hệ hôn nhân, người Sán Chí rất coi trọng vai trò của ông mối (mui cha). Nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng là do có sự sắp đặt của bố mẹ thông qua ông mối. Ông mối giữ vai trò là nhiệm vụ trung gian giữa hai gia đình và dòng họ. Khi được mời và nhận làm ông mối, ngoài việc chuẩn bị các nghi lễ của đám cưới, ông còn làm nhiệm vụ hoà giải cho đôi vợ chồng trong suốt cuộc đời. Kể từ khi nhận làm con của ông mối, hai vợ chồng phải có trách nhiệm chăm sóc ông, bà mối khi họ về già, khi họ chết phải để tang và có nghĩa vụ như cha mẹ đẻ của mình.
Hôn nhân (tăng sắn phẩu) phải tiến hành qua nhiều công đoạn, nhiều bước: lễ dạm hỏi (mằn phắn neng), lễ ăn hỏi (hặt cá cạy), lễ cưới (hặt chau).

Lễ dạm hỏi (mằn phắn neng) thường do ông mối đảm nhiệm. Nếu nhà gái đồng ý sẽ trao cho ông mối tờ giấy đỏ có ghi họ tên, tuổi của cô gái. Thầy cúng là người làm nhiệm vụ xem tuổi của đôi trai gái có hơn nhau không. Nếu hơn tuổi, nhà trai nhờ ông mối đến nhà gái xin định ngày ăn hỏi. Sau thời kỳ này, hai họ đi lại với nhau và đôi trai gái có thời gian tìm hiểu và yêu thương nhau, thời gian này có thể kéo dài tới vài năm. Đến một thời gian thích hợp, ông mối lại sang nhà gái xin định ngày cưới.

Cuối cùng, lễ cưới (hặt chau) được ấn định. Trước ngày hôn lễ một hôm, nhà trai phải đem đầy đủ lễ vật đã thoả thuận sang nhà gái chuẩn bị cho hôm đón dâu. Trong ngày cưới, người Sán Chí có tục hát cưới (chau cộô) còn gọi là hát tửu ca. Ở thể loại hát này, người Sán Chí có khoảng 100 bài hát, cách hát ở thể loại này được hát theo thể âm cao, thanh trong, vui vẻ. Trong đám cưới, các bạn của cô dâu, chú rể thường đến hát mừng cho họ. Khi ở nhà gái, đối tượng khởi xướng việc hát là các bên nhà gái, đó là những người bạn của cô dâu đến giúp. Đôi nam hát trả lời là người giúp việc nhà trai, là bạn của chú rể. Trong quá trình hát, nếu đôi hát của nhà gái thua thì nhà trai cứ việc vào nhà mà không phải đứng chờ ở cổng đợi nhà gái cho phép. Nếu đôi nam thua thì họ sẽ bị phạt rượu rồi mới được vào nhà gái.

Nhờ có những cuộc hát này mà hôn nhân của người Sán Chí mang ý nghĩa lớn. Đây chính là nét văn hoá độc đáo cần được lưu giữ và phát triển vững chắc. Hiện nay, chính quyền các cấp đang tìm cách khôi phục nét truyền thống văn hoá của đồng bào các dân tộc nơi đây, quyết tâm xây dựng Lục Ngạn trở thành huyện điểm văn hoá của cả nước.
Theo hanhphuc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét