Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Đám cưới truyền thống ở Yên Thủy, Hòa Bình

Yên Thuỷ là một huyện ở cuối tỉnh Hoà Bình về phía Tây Nam, cư dân sinh sống ở đây đại bộ phận là người dân tộc Mường. Qua thời gian và năm tháng, ở vùng này bóng dáng những nếp nhà sàn cổ truyền với ánh lửa bập bùng trong những đêm đông đã thưa dần, nhưng nhiều nét sinh hoạt văn hoá mang đậm bản sắc của đồng bào vẫn còn nguyên vẹn. Và một trong những nét văn hoá độc đáo đó là nghi lễ trong hôn nhân truyền thống. Để nhà trai cưới được nàng dâu về làm con, theo truyền thống, thường phải trải qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn tìm hiểu: sau một thời gian quen biết nhau của đôi trai gái, thường là qua công việc đồng áng, sinh hoạt văn hoá cộng đồng... họ cùng nhau hẹn hò, cùng ước nguyện xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc mai sau, người con trai chính thức thưa chuyện với bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Khi đó, gia đình nhà trai bàn bạc và tìm một “ông mối” hay “bà mối” để đến nhà gái dạm hỏi. Người làm mối phải là người đứng tuổi, đứng đắn, khéo ăn nói. Quà mang đi dạm hỏi rất đơn giản: một gói trầu được lựa chọn kỹ gồm những lá bánh tẻ (khoảng 40 đến 60 lá), đều đặn, không bị xây xát, một bó vỏ ăn trầu, 5 đến 10 quả cau to vừa độ đầy hạt, mấy gói thuốc lào hoặc thuốc lá. Khi đến nhà gái, người làm mối hết sức khiêm nhường kể lại sự sinh thành, nuôi dưỡng của gia đình bên nhà trai từ ông, bà, bố mẹ đến bản thân người con trai đang có ý nguyện được làm chàng rể tương lai của gia đình nhà gái.

Trong lời giới thiệu của người làm mối với nhà gái có đoạn “Qua ngày qua tháng, rau cháo nuôi nhau, ăn ở nghĩa tình với xóm với làng, được ông bà, ông vải phù hộ, độ trì ông bà, bố mẹ sinh con đàn, cháu đống. Nhưng đến nay công việc đồng áng vẫn cần người chăm chút, gieo mạ, trồng lạc vẫn cần người ươm mầm... Hôm nay được ngày lành, tháng tốt gia đình nhà trai chúng tôi tới xin thưa với ông bà san sẻ cho gia đình nhà trai chúng tôi “một cành, một ré” về làm con hiền, dâu thảo...”.

Đáp lại bên nhà gái cũng trả lời rất nhã nhặn, nhún nhường “Ún anh chúng tôi con nhà nghèo khó, nhờ lộc nhờ cành chú bác nội ngoại, nhờ ơn trời đất, nhờ phúc ông bà ông vải, sinh thành được mấy mụn con cái, lớn người nhưng còn vụng dại. Bác bá bên ấy có lòng thương, lòng nhớ, không chê nghèo khó, dại khờ cho người đến dạm nhưng chưa biết lòng cháu thế nào, để cháu về chúng tôi ướm hỏi xem sao...”

Tới đây, lễ dạm hỏi kết thúc. Thông thường, nhà gái mời người làm mối một bữa cơm tươm tất gồm có rượu, thịt... chua chua, ngọt ngọt của măng rừng, cay đậm của ớt quyện với mùi thơm của thịt gà chăn thả tự nhiên, đặc sản của đồng bào.

Giai đoạn ăn hỏi (tiếng Mường Yên Thuỷ gọi là ăn noòm): Lễ ăn hỏi thường được tổ chức vào một buổi tối của một ngày được cho là tốt lành theo lịch vạn niên, được một ông thầy xem kỹ và chỉ dẫn. Ngày ấy, đại diện nhà trai chỉ có người làm mối và một chàng trai phụ trợ đi theo. Lễ vật từ nhà trai đưa sang nhà gái gồm có: một đôi gà trống, hoặc một con lợn khoảng 15-20kg, 5-10kg gạo nếp, 2 chai rượu quốc lủi, một buồng cau quả to mẩy đều, 100 lá trầu, 10 phong bánh khảo, 10 bao thuốc lá. Bên nhà gái mời những người thân thích trong gia đinh đến dự. Sau lễ cúng tổ tiên, gia chủ bên nhà gái mời đại diện nhà trai ngồi xung quanh mâm cơm, cùng uống rượu, ăn cơm và bàn định cho ngày cưới. Lễ ăn hỏi được tiến hành nhanh gọn, không ồn ào.

Từ ngày ăn hỏi đến ngày cưới chính thức, bên nhà gái bố trí để “con dâu” (tiếng Mường gọi là con du) tương lai đến thăm nhà “chồng” tương lai. Bên nhà chồng cùng họ mạc bố trí đón tiếp rất chu đáo từ bữa cơm ăn, chén nước uống đến thái độ cử chỉ, lời xưng hô, nhất là các em “chồng tương lai” luôn dành cho “chị dâu tương lai” những tình cảm đầm ấm. Sau những ngày nhìn mặt làm quen đó, đôi trẻ rất ít khi gặp nhau vì ái ngại sự đàm tiếu, bông đùa, trêu chọc của người ngoài đối với mối tình duyên của họ.

Giai đoạn lễ cưới: Lễ cưới là ngày vui nhất và cũng là ngày hội của đôi trai gái, họ mạc đôi bên và bà con xóm làng. Nhà trai, nhà gái cho người đi mời từng nhà trong anh em, họ hàng, làng xóm đến dự đám cưới của con mình. Vào tiệc cưới, sau lời chào mời hết sức khiêm nhường của người làm mối, khách khứa tuỳ theo tuổi tác được mời ngồi xung quanh mâm cơm rượu. Họ lai rai uống rượu, nói những lời hay, ý đẹp chúc mừng đôi bạn trẻ và song thân, họ hàng đôi trẻ hạnh phúc.

Giai đoạn đón dâu (tiếng Mường Yên Thuỷ gọi là rước du): lễ đón và tiễn nàng dâu được tổ chức đơn giản nhưng trang trọng, thiêng liêng dạt dào tình cảm của người thân trong gia đình, họ mạc hai bên trai gái.
Nhà gái dặn dò nàng dâu tỉ mỉ về khuôn phép, đạo làm dâu con về xây dựng cuộc sống mới bên nhà chồng. Nàng dâu bịn rịn, nước mắt tuôn trào, trước cảnh sắp phải xa mái nhà thân yêu...Nhà trai kiên nhẫn đứng đợi trong cảnh bâng khuâng.

Khi đoàn đón và đưa dâu về đến nhà trai, nàng dâu được đón tiếp rất ân cần tại gian nhà ngay đầu cầu thang bước vào. Đại diện hai bên nhà trai, nhà gái ngồi đối diện nhau. Sau lời giới thiệu của người làm mối, đại diện nhà gái bằng những lời lẽ khiêm nhường thắm thiết, bày tỏ niềm tin, sự vinh hạnh được “gửi” con gái mình cho bên nhà trai để làm dâu con trong gia đình hiển đạt. Nhà trai đáp lại bằng một hiện vật, đó là một đôi vòng tay bằng bạc trắng, là kỷ vật nhà chồng nhận con dâu, tặng con dâu cùng những lời cảm ơn chân tình đối với họ hàng nhà gái.

Sau những nghi thức ấy, một bữa tiệc thịnh soạn để mừng dâu hiền, rể quí được nhà trai chuẩn bị rất chu đáo được dọn ra. Khách khứa, từ ông già, bà cả đến nam thanh, nữ tú ngồi quây quần bên mâm cơm rượu. Họ cùng ăn, cùng uống rượu và chúc cho lứa đôi hạnh phúc, sớm có con cái, đủ nếp đủ tẻ. Trong không khí vui vẻ, đầm ấm ấy, một số nam thanh, nữ tú còn chia bè để hát những điệu dân ca dịu dàng, trong trẻo trong một không gian lung linh, mờ ảo bởi chất men say của rượu, men say của những làn điệu dân ca, lâng lâng dưới mái nhà sàn truyền thống. Để cầu mong cho đôi trẻ sống hạnh phúc, sớm có con bồng, cháu bế, đủ trai, đủ gái, người ta chọn người căng màn trải chiếu lên giường cưới của cô dâu là một người phụ nữ đứng tuổi, phúc hậu, đoan trang, đường con cái song toàn, ăn nói có duyên, trong nhà không có chuyện buồn. Người này làm nhiệm vụ căng màn, trải chiếu và sửa cho gối chăn trên giường phẳng phiu.

Và bắt đầu từ đó, người con trai chính thức nhận bổn phận làm chàng rể bên nhà vợ, là chồng của cô gái và cô gái chính thức nhận bổn phận là con dâu của gia đình nhà trai.
Theo hanhphuc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét