Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Tục cưới hỏi của người Kor

Người Kor có hơn hai vạn nhân khẩu cư trú trên vùng cao thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Cũng như hầu hết các dân tộc khác ở Tây Nguyên-Trường Sơn, nam nữ thanh niên bước vào cuộc sống vợ chồng khá sớm, ngay từ 16-17 tuổi.

Việc hôn nhân của các đôi nam nữ thanh niên hầu hết đều do cha mẹ hai bên quyết định thông qua hai ông mối bên nhà trai và nhà gái.
Khi con trai đã đến tuổi lập gia đình, cha mẹ chàng trai thường dành thời gian để chọn lựa cho được nàng dâu vừa ý trong đám con gái trong buôn làng. Khi đã chọn xong, họ liền hỏi ý kiến con trai. Nếu chàng trai cũng đồng ý, họ nhờ ông mối sang nhà gái để tìm hiểu và dạm hỏi.

Trường hợp nhà gái chấp thuận thì hai ông mối nhà trai, nhà gái gặp nhau để bàn bạc về đám cưới, thống nhất ngày tổ chức cũng như số lễ vật mà nhà trai đi cưới.

Ngày đầu tiên của lễ cưới, nhà trai tổ chức một đoàn gồm khoảng từ 20-30 người, trong đó có chú rể và ông mối (cha mẹ chàng rể không tham dự trong đoàn này). Khi đến cổng nhà gái, đoàn rước dâu dừng lại để đại diện họ nhà gái mang trầu cau ra mời vào nhà. Sau đó nhà gái dọn tiệc mời đoàn nhà trai dùng bữa. Khi ăn uống xong, nhà gái mới thực hiện nghi thức cúng tổ tiên, và cô dâu chú rể ăn bữa cơm đầu tiên. Lễ vật trong nghi thức này là một con gà do cha mẹ cô dâu tự làm để dâng cúng. Còn cô dâu chú rể ăn cơm thì ngồi đối diện nhau trên chiếc chiếu, ở giữa đặt cơm và thịt con gà lễ vật. Thoạt tiên, cô dâu dùng tay bốc cơm bỏ lên đầu chú rể, kế đó chú rể cũng dùng tay bốc cơm bỏ lên đầu cô dâu, mỗi người làm việc đó ba lần rồi tự bốc cơm và thức ăn từ chiếc rá lên ăn đủ ba lần. Cô dâu ăn trước, chú rể ăn sau. Khi ăn xong, chú rể bước ra khỏi phòng, nghi lễ kết thúc.

Sáng sớm hôm sau, khi ăn uống xong, nhà gái cũng bắt đầu đưa dâu sang nhà trai. Khi đoàn đưa dâu sang nhà trai, mọi thủ tục lại lần lượt thực hiện như khi ở nhà gái. Sau nghi lễ, cả hai gia đình và bạn bè cô dâu, chú rể trải qua một đêm vui vẻ tại nhà trai. Sáng hôm sau, tức ngày thứ ba của hôn lễ, khi ăn uống xong nhà gái lên đường trở về. Cô dâu cũng đi theo đoàn để về nhà cha mẹ đẻ.
Sau đó, chú rể cùng các thanh niên thuộc nhà trai mang lễ vật sang nhà gái đón dâu trở về nhà mình. Lễ vật gồm bánh và thịt. Bánh có đến hàng trăm chiếc, gói bằng lá đót. Thịt chủ yếu là thịt chuột và đùi heo. Đại diện nhà gái đón nhận lễ vật đem cúng gia tiên. Còn đoàn nhà trai ở lại nhà gái qua đêm để sáng hôm sau đưa dâu về nhà chồng và trở thành thành viên mới của gia đình chồng.
Theo hanhphuc.vn

Bài hát mừng dâu mới của đồng bào Thái Mường Lò-Yên Bái

Người phụ nữ Thái có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi gia đình. Họ không chỉ là những người nội trợ đảm đang mà còn góp phần không nhỏ vào việc ruộng nương, quay xa dệt vải, nuôi dạy con cái nên người... Bởi vậy, lựa chọn được vợ hiền dâu thảo là việc hệ trọng của cuộc đời mỗi người con trai và mỗi gia đình người Thái. Cũng chính vì vậy, khi đón được dâu mới, mỗi gia đình đều coi đây như một điều may mắn, tốt lành.

Bài hát mừng dâu mới do bà mối của nhà trai hát khi đã đón được dâu, chủ và khách ngồi mâm cỗ mừng, bà mối cũng có thể uỷ quyền cho một người khác có giọng hát hay hát thay mình, mọi người vừa ăn uống vui vẻ vừa hò “kéo đuôi phụ hoạ”.

Nội dung bài hát nói lên niềm vui của nhà trai khi đón được cô dâu
như ý:

Chốm au pạư phủ nị ánh náng phủ nị
Sướng khẩu dú ná chốm ná
Sướng pa dú nặm chốm búa
Sướng nộc thua chốm chao lau
Sướng nộc sau khăn chốm ná ta cả
Sướng mạ dú lang chốm an
Sướng cun quan chốm bản ten
Sướng nộc én chốm thẩm báo
Tan pay cạ tan má lai
Khỏi pay cạ khỏi báu má lai
Khỏi pay khai báu ma lạ
Chẳng đảy họ ón tô hang puống
Đảy luống ngấn ánh luống cắm tô hang xuổi
Chẳng đảy pạư nọi pạư mía khuôn

Có nghĩa là:

Mường đón dâu thêm vui nhà vui cửa
Như giống lúa mới mừng đất ruộng sâu
Như cá mừng ao sâu nước mát
Như chim sáo mừng ngọn hoa lau gọi bạn
Như chim gáy mừng chân ruộng mạ
Như ngựa dưới sàn mừng yên mới
Như ông quan mừng bản mường no ấm
Như chim én mừng hang sâu rộng
Người đi buôn người không được lãi
Tôi đi buôn tôi được lãi cả
Tôi đi bán không trở về tay không
Đi buôn được đầy túi
Đi rừng được sóc đuôi hoa
Được rồng vàng rồng bạc về đón dâu ngoan
Nên tôi mới được cô dâu hiền thảo.

Bài hát với ngôn ngữ mộc mạc với rất nhiều ví von so sánh, với những hình ảnh rất gần gũi trong đời sống lao động, sinh hoạt miêu tả niềm vui to lớn của nhà trai khi đón được dâu mới. Nhịp điệu thơ và vần điệu đặc trưng của thơ Thái càng làm tăng giá trị biểu cảm. Cách diễn đạt đặc sắc đó làm cho cái vô hình trở thành cái hữu hình thật dễ hiểu với tất cả mọi người.

Khi bà mối của nhà trai hát xong, bà mối hoặc người của nhà gái hát đáp lại, nội dùng bài hát tỏ ý khiêm nhường, con gái chúng tôi không được như thế, các ông các bà có lòng yêu quý nên khen quá đấy thôi và có lời gửi trao nhờ cậy bảo ban giúp.
Ngày nay trong các đám cưới của người Thái Mường Lò, bài hát “mừng dâu mới” vẫn vang lên đầy tình người như sức sống của một nét đẹp văn hoá.
Theo hanhphuc.vn

Hôn nhân của người Hrê

Dân tộc Hrê có khoảng 6,5 vạn người, cư trú ở vùng núi và trung du thuộc các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi), huyện An Lão (tỉnh Bình Định).

Đồng bào dân tộc Hrê thường tụ cư trong các plây, tương đương làng của người Kinh. Mỗi plây có từ 15-20 nóc nhà, xây dọc ven suối, ven sông hoặc trên khu đất đồi thấp gần nguồn nước. Một nét đẹp trong nếp sống của dân tộc Hrê là sự bình đẳng giữa vợ và chồng.

Phụ nữ Hrê thường kín đáo, nhưng trong các lễ hội họ cởi mở và vui tươi. Đây là dịp để trai gái cùng ca hát, ướm hỏi nhau. Họ hát, họ ca ngợi thiên nhiên và tình yêu lứa đôi cũng được thắp lên ngọn lửa để trai làng mạnh dạn tỏ tình với người yêu. Khi trai gái đã “đôi mắt cùng liếc, đôi lòng cùng ưa”, thì về thưa với cha mẹ đến hỏi, không cần phải có người mối lái. Nếu cha mẹ hai bên đều bằng lòng thì tổ chức một bữa tiệc rượu, một ngày ở nhà trai, một ngày ở nhà gái. Hôn nhân người Hrê còn mang tính mẫu hệ, chàng trai sau ngày cưới phải về nhà gái ở rể, chỉ những nhà giàu có mới đón cô dâu về. Bên nào lấy người về thì phải đem quần áo, kiềng bạc... đưa cho nhà kia gọi là đồ dẫn cưới. Ngày cưới mời khách trong các plây uống rượu hai ba ngày liền. Nhiều cặp trai gái yêu nhau nhưng cha mẹ không đồng ý thì họ không cần cưới hỏi, lại đưa nhau ra rừng làm nhà ở, sống tự lập. Con trai góa vợ, gái góa chồng mà muốn đi bước nữa thì dẫn thêm một con trâu và một mảnh đất chừng ba sào mới được cưới. Vợ chồng lấy nhau thường ở chung với bố mẹ đến khi có con thì ra ở riêng.

Trong lễ cưới truyền thống của người Hrê có một sắc thái riêng trong từng tuần tự nghi lễ, mang ý nghĩa giáo dục thiêng liêng, ràng buộc sống thủy chung. Lễ cưới thường tổ chức nửa đêm về sáng. Họ cho rằng đây là giờ phút giao hòa của đất trời, các thần linh mới chứng kiến toàn bộ nghi lễ, ban hạnh phúc và ấm no cho đôi lứa. Gia đình hai bên đều ăn mặc đẹp, nhưng cô dâu và cô phụ dâu lại ăn mặc rất giản dị, đầu trùm khăn che kín mặt để không ai nhận ra. Họ cho rằng làm như vậy để đánh lừa ma quỷ và bảo vệ an toàn cho cô dâu. Trong lễ cưới có nghi thức trao nắm cơm và đeo chỉ đỏ của cô dâu và chú rể. Người Hrê quan niệm rằng, rượu thịt trong ngày cưới thì mọi người đã ăn hết rồi, đôi lứa chỉ còn giữ lại vật thiêng liêng là nắm cơm và sợi chỉ đỏ. Hai kỷ vật này được họ cất giữ trong một hộp gỗ, đặt phía trên cánh cửa chính của căn nhà mà lúc nào họ cũng nhìn thấy. Khi một trong hai người chết trước, người còn sống sẽ vẫn giữ kỷ vật này cho đến khi mình chết thì được đem chôn chung. Những bài hát ru, hát tỏ tình, trai gái Hrê vẫn thường cất lên:

Còn chờ đợi gì nữa mà không chịu nhận nắm cơm anh trao
Còn chờ đợi gì nữa mà không chịu đeo sợi chỉ đỏ này
Sợi chỉ cột tình anh, sợi chỉ cột tình em
Hay em chê nhà anh không đủ trâu làm thịt đãi dân làng
Không đủ rượu cần cho dân làng say ngày cưới....

Phong tục hôn nhân của người Hrê có những điều cấm kỵ khắt khe, như trai gái đồng tông không được lấy nhau. Nếu ai vi phạm mà bị phát hiện thì làng họp bắt tội, tịch thu tài sản cả hai gia đình đem chia đều cho họ hàng hai bên... Phong tục Hrê cấm con dâu ăn cơm cùng rá với bố chồng, cấm con rể ăn cơm cùng rá với mẹ vợ. Gái chưa chồng không bao giờ để hở ngực, còn gái đã có chồng và bắt đầu mang bầu là để ngực trần, không mặc yếm nữa. Người phụ nữ sau khi sinh con, chỉ năm ngày sau đã đi làm như thường, con địu sau lưng. Nếu chồng chết một năm có thể tái giá để có người đàn ông làm các việc nặng nhọc trong nhà.
Theo hanhphuc.vn

Lễ cưới cổ truyền dân tộc Lự xã Nậm Tăm

Dân tộc Lự thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, cư trú thành từng bản dọc theo các dòng sông, suối chủ yếu ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) và một bộ phận ở xã Bản Hon (Tam Đường). Từ trước đến nay, người Lự đã biết canh tác lúa nước nên đời sống vật chất tương đối ổn định; đời sống tinh thần có nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian phong phú.

Các cô gái, chàng trai Lự đến tuổi cập kê được tự do lựa chọn và tìm hiểu bạn tình. Đêm đêm, khoảng 9,10 giờ, tiếp Pí “mẹ lụk” (sáo mẹ con) cất lên từ đầu bản đến cuối bản, rồi tập trung nơi sân khuống được các thiếu nữ đốt một đống lửa to quay sợi, dệt vải (người Lự gọi là dú khuống). Nơi sàn khuống, trai gái hát đối đáp giao duyên.
Tan cuộc chơi, người con trai đến nhà con gái để tâm tình. Khi đã tâm đầu ý hợp, ước nguyện thành đôi lứa để nên vợ, nên chồng, hai bên thưa với bố mẹ để chọn ngày tốt làm lễ ăn hỏi (pay tham) hàm ý nhà trai đi gieo hạt giống nhà gái để nảy mầm thành cây; rồi đến bước “khát căn” (lời kết nghĩa, lời giao ước với nhau); rồi đám cưới chính thức “Kin khéc” được tổ chức.

Lễ cưới của trai gái dân tộc Lự thường diễn ra khi tiết trời đang độ xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa mạ, hoa pon... đua nở.
Đêm hôm nhà trai đưa lễ vật đến nhà gái, chú rể không được đến nhà cô dâu. Đêm ấy, cô dâu và bạn bè tổ chức hát giao duyên tại sân khuống, tạm biệt bạn bè cùng trang lứa để đi lấy chồng.

Đến ngày chính lễ, từ sáng sớm ông mối bên nhà trai đến thông báo xin giờ để chàng trai đến ở rể. Nhà gái chuẩn bị một bàn rượu, một bát thịt và một đôi đũa tiếp ông mối. Ông mối quỳ trước họ nhà gái và hát những lời có tính chất thông báo, xin cho chàng trai ở rể. Sau đó nhà gái cho ông mối uống một hớp rượu, ăn một miếng thịt nhằm trả ơn người đã mai mối cho đôi trẻ thành vợ thành chồng. Sau đó đoàn nhà trai đến, dẫn đầu là ông mối. Khi đến chân cầu thang, nhà gái đón tiếp bằng những chén rượu nồng. Mỗi bên đều uống một chén để tỏ lòng thân thiện và đồng ý sự kết duyên của đôi nam nữ. Chủ nhà sắm một lễ gồm đầu, bốn chân và đuôi lợn, gà luộc sẵn trình báo với tổ tiên hôm nay nhà ta có “Kin khéc” (đám cưới con cháu trong nhà). Đoàn nhà trai lên nhà, nhà gái bầy một mâm rượu, đem các lễ vật (của hồi môn cho con gái) trình trước nhà trai như váy, áo, vòng cổ, vòng tay... Trên lễ vật được cắm những bông hoa sặc sỡ (hoa dâm bụt). Cô dâu chú rể lạy trước ông, bà, chú, bác hai bên gia đình. Ông mối hát lời chúc phúc cho hai người thành đôi lứa, sống có ích cho gia đình. Trong thời gian ông mối hát, đôi vợ chồng trẻ vẫn quỳ lạy, đầu chúi xuống chiếu.

Ông mối hát chúc phúc xong, hai bên gia đình mỗi người một tay bám vào các lễ vật ý nói chúc cho hai vợ chồng trẻ hạnh phúc, làm ăn phát đạt, sống có ích cho hai bên gia đình nương nhờ. Mỗi người đến dự cưới buộc chỉ cổ tay cho cô dâu chú rể như muốn buộc chặt tình cảm yêu thương của mình, buộc chặt tình yêu của đôi trẻ với gia đình hai bên. Sau đó họ nhà gái phát cho mỗi người một que sáp ong như sự tạ ơn của gia đình đôi trẻ và tình đoàn kết họ hàng thân tộc như mật ong, sáp ong quyện chặt.

Thủ tục hôn lễ đã xong, ông mối mời họ hàng nhà gái và dân bản cùng vui chén rượu chúc cho hai vợ chồng trẻ hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Cuộc rượu có thể kéo dài đến đêm. Trong thời gian tổ chức “Kin khéc” chú rể luôn đóng vai trò là người tần tảo tháo vát, lúc chạy vào chỗ này, lúc đến chỗ kia để xem bàn tiệc vơi thứ gì thì kịp thời bổ sung. Một điều thú vị nữa trong 3 ngày tính từ đám cưới chính thức chú rể không được ngồi ghế, chỉ ngồi xổm để tiếp khách. Điều này hàm ý cho bố mẹ nhà gái biết tính chịu khó, siêng năng của chàng rể.

Ở dân tộc Lự, của hồi môn bên họ hàng nhà trai cho ngoài những váy áo, tiền bạc có một điều hết sức thú vị là: đám cưới xong, ngày hôm sau cô dâu đến gánh nước cho họ hàng nhà trai mỗi nhà một gánh; nhà trai trả công cho cô dâu là những con giống như đôi gà, con lợn con hoặc bát đĩa, đồ đan lát... để đôi vợ chồng trẻ làm giống và phát triển sau này.

Trong đám cưới dân tộc Lự hầu như hát giao duyên, ngay cả lời bàn bạc với nhau cũng là những câu vần điệu. Trong đám cưới không mang nặng tính thách cưới. Khi nhà có đám cưới, những người trong họ cùng chung gánh vác, nếu trường hợp kinh tế khó khăn chưa đủ điều kiện để làm bữa cơm mời họ hàng thì người ta cho nhau nợ, khi nào có điều kiện thì làm. Ngày nay, trong đám cưới người Lự cũng đã bớt đi nhiều thủ tục rườm rà, một số địa phương trai gái yêu nhau khi đã tìm hiểu chín muồi thì tự về ở với nhau (tuy nhiên cha mẹ hai bên đã ngầm đồng ý). Còn lại hầu hết đôi trẻ tự giác đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Bố, mẹ người con trai đến báo với cha, mẹ cô gái rồi tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ, tuyệt nhiên không có chuyện thách cưới.

Lễ cưới dân tộc Lự mang đậm chất thi ca, chứa đựng nhiều yếu tố khuyên răn đối với các quan hệ họ tộc, bản mường, cần được các nhà văn hoá nghiên cứu quan tâm để không mất đi một loại hình lễ tín ngưỡng đậm nét văn hoá dân tộc.
Theo hanhphuc.vn

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Đám cưới truyền thống ở Yên Thủy, Hòa Bình

Yên Thuỷ là một huyện ở cuối tỉnh Hoà Bình về phía Tây Nam, cư dân sinh sống ở đây đại bộ phận là người dân tộc Mường. Qua thời gian và năm tháng, ở vùng này bóng dáng những nếp nhà sàn cổ truyền với ánh lửa bập bùng trong những đêm đông đã thưa dần, nhưng nhiều nét sinh hoạt văn hoá mang đậm bản sắc của đồng bào vẫn còn nguyên vẹn. Và một trong những nét văn hoá độc đáo đó là nghi lễ trong hôn nhân truyền thống. Để nhà trai cưới được nàng dâu về làm con, theo truyền thống, thường phải trải qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn tìm hiểu: sau một thời gian quen biết nhau của đôi trai gái, thường là qua công việc đồng áng, sinh hoạt văn hoá cộng đồng... họ cùng nhau hẹn hò, cùng ước nguyện xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc mai sau, người con trai chính thức thưa chuyện với bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Khi đó, gia đình nhà trai bàn bạc và tìm một “ông mối” hay “bà mối” để đến nhà gái dạm hỏi. Người làm mối phải là người đứng tuổi, đứng đắn, khéo ăn nói. Quà mang đi dạm hỏi rất đơn giản: một gói trầu được lựa chọn kỹ gồm những lá bánh tẻ (khoảng 40 đến 60 lá), đều đặn, không bị xây xát, một bó vỏ ăn trầu, 5 đến 10 quả cau to vừa độ đầy hạt, mấy gói thuốc lào hoặc thuốc lá. Khi đến nhà gái, người làm mối hết sức khiêm nhường kể lại sự sinh thành, nuôi dưỡng của gia đình bên nhà trai từ ông, bà, bố mẹ đến bản thân người con trai đang có ý nguyện được làm chàng rể tương lai của gia đình nhà gái.

Trong lời giới thiệu của người làm mối với nhà gái có đoạn “Qua ngày qua tháng, rau cháo nuôi nhau, ăn ở nghĩa tình với xóm với làng, được ông bà, ông vải phù hộ, độ trì ông bà, bố mẹ sinh con đàn, cháu đống. Nhưng đến nay công việc đồng áng vẫn cần người chăm chút, gieo mạ, trồng lạc vẫn cần người ươm mầm... Hôm nay được ngày lành, tháng tốt gia đình nhà trai chúng tôi tới xin thưa với ông bà san sẻ cho gia đình nhà trai chúng tôi “một cành, một ré” về làm con hiền, dâu thảo...”.

Đáp lại bên nhà gái cũng trả lời rất nhã nhặn, nhún nhường “Ún anh chúng tôi con nhà nghèo khó, nhờ lộc nhờ cành chú bác nội ngoại, nhờ ơn trời đất, nhờ phúc ông bà ông vải, sinh thành được mấy mụn con cái, lớn người nhưng còn vụng dại. Bác bá bên ấy có lòng thương, lòng nhớ, không chê nghèo khó, dại khờ cho người đến dạm nhưng chưa biết lòng cháu thế nào, để cháu về chúng tôi ướm hỏi xem sao...”

Tới đây, lễ dạm hỏi kết thúc. Thông thường, nhà gái mời người làm mối một bữa cơm tươm tất gồm có rượu, thịt... chua chua, ngọt ngọt của măng rừng, cay đậm của ớt quyện với mùi thơm của thịt gà chăn thả tự nhiên, đặc sản của đồng bào.

Giai đoạn ăn hỏi (tiếng Mường Yên Thuỷ gọi là ăn noòm): Lễ ăn hỏi thường được tổ chức vào một buổi tối của một ngày được cho là tốt lành theo lịch vạn niên, được một ông thầy xem kỹ và chỉ dẫn. Ngày ấy, đại diện nhà trai chỉ có người làm mối và một chàng trai phụ trợ đi theo. Lễ vật từ nhà trai đưa sang nhà gái gồm có: một đôi gà trống, hoặc một con lợn khoảng 15-20kg, 5-10kg gạo nếp, 2 chai rượu quốc lủi, một buồng cau quả to mẩy đều, 100 lá trầu, 10 phong bánh khảo, 10 bao thuốc lá. Bên nhà gái mời những người thân thích trong gia đinh đến dự. Sau lễ cúng tổ tiên, gia chủ bên nhà gái mời đại diện nhà trai ngồi xung quanh mâm cơm, cùng uống rượu, ăn cơm và bàn định cho ngày cưới. Lễ ăn hỏi được tiến hành nhanh gọn, không ồn ào.

Từ ngày ăn hỏi đến ngày cưới chính thức, bên nhà gái bố trí để “con dâu” (tiếng Mường gọi là con du) tương lai đến thăm nhà “chồng” tương lai. Bên nhà chồng cùng họ mạc bố trí đón tiếp rất chu đáo từ bữa cơm ăn, chén nước uống đến thái độ cử chỉ, lời xưng hô, nhất là các em “chồng tương lai” luôn dành cho “chị dâu tương lai” những tình cảm đầm ấm. Sau những ngày nhìn mặt làm quen đó, đôi trẻ rất ít khi gặp nhau vì ái ngại sự đàm tiếu, bông đùa, trêu chọc của người ngoài đối với mối tình duyên của họ.

Giai đoạn lễ cưới: Lễ cưới là ngày vui nhất và cũng là ngày hội của đôi trai gái, họ mạc đôi bên và bà con xóm làng. Nhà trai, nhà gái cho người đi mời từng nhà trong anh em, họ hàng, làng xóm đến dự đám cưới của con mình. Vào tiệc cưới, sau lời chào mời hết sức khiêm nhường của người làm mối, khách khứa tuỳ theo tuổi tác được mời ngồi xung quanh mâm cơm rượu. Họ lai rai uống rượu, nói những lời hay, ý đẹp chúc mừng đôi bạn trẻ và song thân, họ hàng đôi trẻ hạnh phúc.

Giai đoạn đón dâu (tiếng Mường Yên Thuỷ gọi là rước du): lễ đón và tiễn nàng dâu được tổ chức đơn giản nhưng trang trọng, thiêng liêng dạt dào tình cảm của người thân trong gia đình, họ mạc hai bên trai gái.
Nhà gái dặn dò nàng dâu tỉ mỉ về khuôn phép, đạo làm dâu con về xây dựng cuộc sống mới bên nhà chồng. Nàng dâu bịn rịn, nước mắt tuôn trào, trước cảnh sắp phải xa mái nhà thân yêu...Nhà trai kiên nhẫn đứng đợi trong cảnh bâng khuâng.

Khi đoàn đón và đưa dâu về đến nhà trai, nàng dâu được đón tiếp rất ân cần tại gian nhà ngay đầu cầu thang bước vào. Đại diện hai bên nhà trai, nhà gái ngồi đối diện nhau. Sau lời giới thiệu của người làm mối, đại diện nhà gái bằng những lời lẽ khiêm nhường thắm thiết, bày tỏ niềm tin, sự vinh hạnh được “gửi” con gái mình cho bên nhà trai để làm dâu con trong gia đình hiển đạt. Nhà trai đáp lại bằng một hiện vật, đó là một đôi vòng tay bằng bạc trắng, là kỷ vật nhà chồng nhận con dâu, tặng con dâu cùng những lời cảm ơn chân tình đối với họ hàng nhà gái.

Sau những nghi thức ấy, một bữa tiệc thịnh soạn để mừng dâu hiền, rể quí được nhà trai chuẩn bị rất chu đáo được dọn ra. Khách khứa, từ ông già, bà cả đến nam thanh, nữ tú ngồi quây quần bên mâm cơm rượu. Họ cùng ăn, cùng uống rượu và chúc cho lứa đôi hạnh phúc, sớm có con cái, đủ nếp đủ tẻ. Trong không khí vui vẻ, đầm ấm ấy, một số nam thanh, nữ tú còn chia bè để hát những điệu dân ca dịu dàng, trong trẻo trong một không gian lung linh, mờ ảo bởi chất men say của rượu, men say của những làn điệu dân ca, lâng lâng dưới mái nhà sàn truyền thống. Để cầu mong cho đôi trẻ sống hạnh phúc, sớm có con bồng, cháu bế, đủ trai, đủ gái, người ta chọn người căng màn trải chiếu lên giường cưới của cô dâu là một người phụ nữ đứng tuổi, phúc hậu, đoan trang, đường con cái song toàn, ăn nói có duyên, trong nhà không có chuyện buồn. Người này làm nhiệm vụ căng màn, trải chiếu và sửa cho gối chăn trên giường phẳng phiu.

Và bắt đầu từ đó, người con trai chính thức nhận bổn phận làm chàng rể bên nhà vợ, là chồng của cô gái và cô gái chính thức nhận bổn phận là con dâu của gia đình nhà trai.
Theo hanhphuc.vn

Hôn nhân và tục hát cưới của người Sán Chí ở Lục Ngạn

Lục Ngạn là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang. Người Sán Chí sống rải rác trong nhiều xã của huyện, nhưng tập trung chủ yếu ở 2 xã là Kiên Lao (3.596 người) và Xa Lý (1.980 người). Ở các xã này, người Sán Chí chung sống với người Kinh, Tày hoặc Nùng. Cũng như các dân tộc khác, người Sán Chí rất coi trọng quan hệ hôn nhân.

Trước đây, người Sán Chí thường chỉ kết hôn trong nội bộ dân tộc mình, người cùng họ không được lấy nhau. Tuy nhiên hiện nay đã có sự kết hôn không đồng tộc nhưng chủ yếu là trong trường hợp đi làm ở nơi khác hoặc là đi công tác thoát ly khỏi gia đình. Việc kết hôn đã diễn ra giữa người trong cùng một họ nhưng phải khác nhóm, không có quan hệ huyết thống và không cùng chung một ma tổ tiên.

Trong quan hệ hôn nhân, người Sán Chí rất coi trọng vai trò của ông mối (mui cha). Nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng là do có sự sắp đặt của bố mẹ thông qua ông mối. Ông mối giữ vai trò là nhiệm vụ trung gian giữa hai gia đình và dòng họ. Khi được mời và nhận làm ông mối, ngoài việc chuẩn bị các nghi lễ của đám cưới, ông còn làm nhiệm vụ hoà giải cho đôi vợ chồng trong suốt cuộc đời. Kể từ khi nhận làm con của ông mối, hai vợ chồng phải có trách nhiệm chăm sóc ông, bà mối khi họ về già, khi họ chết phải để tang và có nghĩa vụ như cha mẹ đẻ của mình.
Hôn nhân (tăng sắn phẩu) phải tiến hành qua nhiều công đoạn, nhiều bước: lễ dạm hỏi (mằn phắn neng), lễ ăn hỏi (hặt cá cạy), lễ cưới (hặt chau).

Lễ dạm hỏi (mằn phắn neng) thường do ông mối đảm nhiệm. Nếu nhà gái đồng ý sẽ trao cho ông mối tờ giấy đỏ có ghi họ tên, tuổi của cô gái. Thầy cúng là người làm nhiệm vụ xem tuổi của đôi trai gái có hơn nhau không. Nếu hơn tuổi, nhà trai nhờ ông mối đến nhà gái xin định ngày ăn hỏi. Sau thời kỳ này, hai họ đi lại với nhau và đôi trai gái có thời gian tìm hiểu và yêu thương nhau, thời gian này có thể kéo dài tới vài năm. Đến một thời gian thích hợp, ông mối lại sang nhà gái xin định ngày cưới.

Cuối cùng, lễ cưới (hặt chau) được ấn định. Trước ngày hôn lễ một hôm, nhà trai phải đem đầy đủ lễ vật đã thoả thuận sang nhà gái chuẩn bị cho hôm đón dâu. Trong ngày cưới, người Sán Chí có tục hát cưới (chau cộô) còn gọi là hát tửu ca. Ở thể loại hát này, người Sán Chí có khoảng 100 bài hát, cách hát ở thể loại này được hát theo thể âm cao, thanh trong, vui vẻ. Trong đám cưới, các bạn của cô dâu, chú rể thường đến hát mừng cho họ. Khi ở nhà gái, đối tượng khởi xướng việc hát là các bên nhà gái, đó là những người bạn của cô dâu đến giúp. Đôi nam hát trả lời là người giúp việc nhà trai, là bạn của chú rể. Trong quá trình hát, nếu đôi hát của nhà gái thua thì nhà trai cứ việc vào nhà mà không phải đứng chờ ở cổng đợi nhà gái cho phép. Nếu đôi nam thua thì họ sẽ bị phạt rượu rồi mới được vào nhà gái.

Nhờ có những cuộc hát này mà hôn nhân của người Sán Chí mang ý nghĩa lớn. Đây chính là nét văn hoá độc đáo cần được lưu giữ và phát triển vững chắc. Hiện nay, chính quyền các cấp đang tìm cách khôi phục nét truyền thống văn hoá của đồng bào các dân tộc nơi đây, quyết tâm xây dựng Lục Ngạn trở thành huyện điểm văn hoá của cả nước.
Theo hanhphuc.vn

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

''Chém mở cửa'' nét độc đáo trong tục cưới người Chil

Là một trong những dân tộc thiểu số có số lượng dân cư khá đông ở Lâm Đồng, địa bàn cư trú của người Chil (Cơ-ho) phổ biến là những vùng rừng núi xa xôi so với các dân tộc khác. Trong cuộc sống ngày nay, cộng đồng người Chil vẫn giữ được những nét bản sắc văn hóa độc đáo. Đến những buôn làng người Chil giữa vùng đại ngàn Đưng K’Nớh (huyện Lạc Dương), chúng ta sẽ bắt gặp những nét tập tục thú vị trong đám cưới của người Chil.

Theo truyền thống mẫu hệ, hôn nhân của người Chil cho đến nay, về cơ bản vẫn phổ biến tục “bắt chồng”. Thay vì “rước dâu” như người Kinh thì người Chil có tục “rước rể”, đưa chàng trai về nhà cô gái. Trong các đám rước này, ông cậu của chàng trai-người có vai trò quan trọng bậc nhất trong việc hôn phối của đôi trẻ-sẽ là người dẫn đầu và luôn mang theo một vật không thể thiếu đó là chiếc...xà gạc. Vật dụng này không chỉ có ý nghĩa thiết thực thường trực trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mà còn là “vật thiêng” mở ra một giai đoạn mới cho những chàng trai, cô gái Chil ở tuổi trưởng thành. Tục chém “mở cửa” (tiếng Chil là Leh pờ mpồng) bắt nguồn từ xa xưa vẫn được cộng đồng người Chil trân trọng lưu giữ.

Sau khi dẫn đầu đoàn “rước rể” về đến nhà gái, ông cậu tiến đến trước cửa buồng tân hôn của cô dâu chú rể và hô to: “Pờ mpồng pờ klo yang ền mot. Pờ mpồng dơng klo kvônh ền mot. Kơrdơ mpồng găn, muônh rơ manh klo re ơm mơ di!” (mở rộng cửa cho chàng trai vào trong, không mở cửa thì chàng trai ở ngoài). Phía trong, ông cậu của cô gái sẽ đáp lời: “Mpồng 2 dăp co czăng ma glề, mpồng 3 dăp co czăng ma lòng, mpồng tơ nhòng co gòng ma luôs!” (cửa 2 lớp người ta che bằng tre, cửa 3 lớp người ta che bằng gỗ, cửa bên trong người ta khoanh bằng sắt, chưa mở được!). Dứt lời, người cậu của chàng trai ở ngoài sẽ chém tượng trưng liên tiếp 3 nhát để mở cửa dẫn chàng trai vào trong.

Theo già làng Rơông M’Biêng, một nhân sỹ trong cộng đồng người Chil ở Đưng K’Nớh, thì tục chém “mở cửa” là tục lệ quan trọng nhất và không thể thiếu trong lễ cưới của người Chil. Đây là tục lệ đánh dấu sự khởi đầu của hôn nhân, khởi phát quá trình sản sinh nòi giống, sản sinh ra xã hội. Sau khi “phá cửa” và được nhà gái chấp nhận, chàng trai sẽ được dẫn vào bên trong và bắt đầu tiến hành lễ cưới (thường là do Già làng làm chủ lễ).

Tập quán tiếp theo ở phần lễ chính, cô dâu chú rể được đính lên mũ 2 nắm cơm nếp cắm lông gà (hai vật tượng trưng cho sự đính kết bền chặt và mềm mại của tình yêu-hôn nhân) và hai người cụng đầu vào nhau 3 lần. Kết thúc nghi lễ này, chủ lễ sẽ chúc hai người “dài chân, dài tay như khỉ, như vượn. Đi rừng, đi núi tránh được tai họa, khi về mang rau, mang củi. Sinh con, đẻ cái đầy đàn...”.

Không chỉ độc đáo, tục chém “mở cửa” trong lễ cưới của người Chil còn mang ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, điều thú vị ở đây là đối với những chàng trai, cô gái lỡ “ăn cơm trước kẻng” sẽ không được dòng họ hai bên cho phép tiến hành tục thiêng này. Giải thích về ngoại lệ này, một số già làng và trí thức người Chil cho biết: Luật tục Chil luôn đề cao sự trinh tiết, trong trắng trong hôn nhân. Vì thế người nào vi phạm sẽ không được tiến hành lễ tục cao quý của dân tộc trong đám cưới của mình.
Theo hanhphuc.vn

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Dây tơ hồng của một số dân tộc Việt Nam

Các dân tộc Việt Nam, trong tập tục cưới hỏi đều có những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đặc biệt trong hôn lễ của lứa đôi có những kỷ vật thiêng liêng để ràng buộc cho hạnh phúc hôn nhân luôn bền vững.

Người Việt có dây tơ hồng gồm hai sợi dây bện xoắn xuýt vào nhau như cuộn thừng mà ông tơ bà nguyệt đã bỏ công vun đắp. Hình ảnh dây tơ hồng mà cha ông ta đã khắc chạm trên thạp và trống đồng hoặc ý nghĩa của dây tơ hồng đã tạo nên con rồng huyền thoại, biểu tượng tâm linh vật tổ (Totem) của người Việt và người Mường.

Với dân tộc Thái ở miền Tây Bắc, trên khăn piêu có xai peng (dây tình) khi trao tặng cho nhau là sự trao đổi tình cảm: Con người tôi luôn ở bên bạn và ngược lại, hình ảnh bạn như chiếc khăn piêu luôn luôn ở bên tôi! Người phụ nữ Thái vốn rất nổi tiếng về bàn tay khéo léo trong việc thêu dệt. Chiếc khăn piêu là một sải vải bông nhuộm màu chàm, được thêu thùa đủ màu sắc rất công phu. Khăn thêu duyên dáng nhờ những chiếc cúc đính ở hai đầu piêu. Cúc piêu được làm từ những miếng vải đỏ rộng chừng 1cm, bên trong bọc lõi chỉ và được cuộn tròn lại. Cúc piêu thường được sắp xếp thành chùm lẻ, từ 3, 5, 7 cái, các vị trí cách đều nhau ở hai đầu khăn. Xai peng thêu trên khăn piêu được cô gái Thái đội lên đầu che phòng khi nắng, khi rét và là vật trang sức. Đó cũng là biểu tượng của tình yêu lứa đôi như sợi dây vô hình buộc chặt lấy nhau cho hạnh phúc vĩnh cửu. Khi về già, nếu một trong hai người từ giã cuộc đời thì khăn piêu được cắt đôi, người chết một nửa đặt vào quan tài, người sống một nửa để gối lên đầu giường.

Trong rất nhiều tập tục diễo ra trong nbày cưới của dân tộc H’rê, ở vùng núi Bình Định và Quảng Ngãi, có nghi lễ trao nắm cơm và đeo chỉ đỏ của cô dâu và chú rể, xem đây là phần chính trong toàn bộ nghi lễ cưới hỏi. Người H’rê quan niệm rằng, rượu thịt trong ngày cưới thì mọi người đã ăn hết rồi, đôi lứa chỉ còn giữ lại vật thiêng liêng là nắm cơm và sợi chỉ đỏ. Hai kỷ vật này được họ cất giữ trong một hộp gỗ, đặt phía trên cánh cửa chính của căn nhà mà lúc nào họ cũng nhìn thấy. Khi một trong hai người chết trước, người còn sống vẫn sẽ giữ gìn kỷ vật này cho đến khi mình chết thì được đem chôn chung. Những bài hát ru, hát tỏ tình, trai gái H’rê vẫn thường ca lên:

Còn chờ đợi gì nữa mà không chịu nhận nắm cơm anh trao

Còn chờ đợi gì nữa mà không chịu đeo sợi chỉ đỏ này

Sợi chỉ cột tình anh, sợi chỉ cột tình em

Hay em chê nhà anh không đủ trâu làm thịt đãi dân làng

Không đủ rượu cần cho dân làng say ngày cưới...
Theo hanhphuc.vn

Tục đặt cau của người Dao Thanh Phán

Trong các nghi lễ cưới xin của người Dao Thanh Phán (một nhánh của dân tộc Dao) có một tập tục rất lạ, đó là tục đặt cau. Thủ tục lễ đặt cau rất đơn giản. Lễ vật chính là hai quả cau to và tươi được bọc trong một chiếc khăn trắng, rồi để vào lòng một chiếc bát đặt trên mâm. Lễ vật phụ là một số thực phẩm thông thường như thịt lợn, lạc, trứng và rượu. Tuy nhiên, số lượng những lễ vật đó rất nhỏ, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.

Khi đưa lễ, nhà trai phải cử người trong họ, gia đình như ông trưởng họ, bố mẹ, anh trai bưng mâm cau sang nhà gái. Sau đó, đại diện nhà gái và nhà trai cùng bưng mâm cau đặt lên ban thờ hoặc một vị trí cao thoáng đối diện với cửa ra vào trong trường hợp nhà gái không có ban thờ. Khi nhà gái nhận lễ đặt cau mà không mang trả lại tức là cô gái và gia đình đã đồng ý. Cô gái chỉ còn chờ ngày nhà trai đến lo tổ chức đám cưới, rước dâu là về nhà chồng. Ngược lại, nếu không đồng ý, họ sẽ đem trả lễ đặt cau và có thể trả nhiều lần nếu nhà trai cố tình đặt tiếp sau khi bị trả lễ. Việc trả cau cũng rất đơn giản, nhà gái chỉ việc sắm hai quả cau tươi mang sang nhà trai, nhà trai phải hoàn toàn vui vẻ nhận lại lễ. Nếu nhà trai vẫn có ý định nhận cô gái về làm dâu thì lại đem cau đến đặt tiếp. Thường thì cô gái nào cũng đem trả một lần lấy lệ.

Lễ đặt cau của người Dao Thanh Phán có ý nghĩa gần giống lễ dạm ngõ hay lễ ăn hỏi của người Kinh. Ngày đặt cau là ngày nhà trai chính thức đến nhà gái xin ra mắt chàng trai và xin cho định ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới, rước cô gái về làm dâu trong nhà. Tuy nhiên, cái lạ của tập tục này là nhà trai có thể đặt cau “mò” và đặt nhiều lần, không nhất thiết phải có điều kiện cô gái phải biết mặt, phải quý mến chàng trai. Nhiều trường hợp ý thích chỉ có từ phía chàng trai nhưng họ cứ giục bố mẹ mang trầu cau tới đặt để thăm dò thái độ, tình cảm của cô gái. Trường hợp cả người con trai và người con gái chưa biết mặt nhau nhưng gia đình nhà trai đã để ý đến cô gái, vậy là nhà trai cũng dò hỏi ngày sinh tháng đẻ của cô gái rồi đem cau đến đặt.

Chàng trai có thể đặt cau bốn, năm lần và vẫn có thể đặt cau tiếp nếu nhà gái không có lời đề nghị nhà trai không đến đặt cau nữa. Tập tục này có phần làm cho cả chàng trai và cô gái đều bị động. Cô gái có thể không thích chàng trai còn chàng trai đến đặt cau thì phấp phỏng chờ đợi và dù lễ không bị trả nhưng cũng không dám chắc là được. Điểm này hoàn toàn khác với lễ ăn hỏi của người Kinh. Đối với người Kinh, khi đã có lễ ăn hỏi là đã có một sự sắp đặt chắc chắn, thường không có sự thay đổi nếu không có biến cố xảy ra. Bởi vì trước đó cô gái và chàng trai đã có sự tìm hiểu nhau kỹ càng và quyết định đi đến hôn nhân, cô gái chỉ còn chờ ngày lên xe hoa về nhà chồng.

Hiện nay, tục đặt cau của người Dao Thanh Phán đã đổi khác nhiều. Tỷ lệ hai bên trai gái có quen biết, tìm hiểu nhau rồi mới làm lễ đặt cau chiếm đa số, trường hợp đặt cau “mò” chỉ diễn ra ở các chàng trai, cô gái nhút nhát và hay thẹn thùng. Tuy nhiên nhiều đôi trong số đó đã sống hạnh phúc sau lễ cưới vì lễ đặt cau đã cho họ làm quen, bày tỏ, tìm hiểu về nhau.
Theo hanhphuc.vn

Tục cưới hỏi của người Tày

Ngày nay, trong cuộc sống mới, tục lệ cưới xin của người Tày ở bản Po Mỏ Thổ, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (Điện Biên) tuy có nhiều thay đổi so với trước đây, song vẫn còn giữ được những nghi lễ truyền thống.

Trước đây, hôn nhân người Tày mang tính chất “mua bán” rõ rệt, thông qua việc thách cưới của nhà gái, được đúc kết qua câu tục ngữ “nhinh khai, chài dư”, có nghĩa “gái bán, trai mua”. Họ thường tổ chức hát lượn để thổ lộ tình cảm trong các phiên chợ, hội hè, có trường hợp nên vợ chồng nhưng hôn nhân do cha mẹ sắp đặt vẫn là hình thái chủ đạo.

Ngày nay, trai gái Tày được tự do tìm hiểu và có quyền quyết định hôn nhân của mình. Khi đôi nam, nữ gặp gỡ, tìm hiểu, cảm thấy tâm đầu ý hợp, họ sẽ thông báo cho 2 bên gia đình. Gia đình chàng trai nhờ bà mối đến nhà gái ướm hỏi, nếu nhà gái ưng thuận, sẽ định ngày tốt để 2 bên gia đình gặp mặt. Đây chính là lễ dạm hỏi (khát pu mác), lễ vật dùng trong buổi gặp mặt tuỳ theo điều kiện kinh tế của nhà trai.

Lễ ăn hỏi (khát căm) với ý nghĩa là đã dứt lời, việc cưới xin đã được thống nhất giữa 2 gia đình. Thông thường, lễ này được tiến hành từ 1 đến 2 tháng sau lễ dạm hỏi. Trong lễ này, ông trưởng họ dẫn đầu cùng một số chàng trai đi giúp việc và đem các lễ vật đã thoả thuận từ trước giữa bà mối và nhà gái. Tổ chức lễ này to hay nhỏ tuỳ thuộc khả năng, điều kiện nhà trai và yêu cầu của nhà gái, nhưng phải theo phong tục truyền thống. Trong lễ vật nhà trai đem đến, một tục lệ bắt buộc phải có lợn quay. Kể từ sau lễ này, cô gái tự khâu chăn cho mình để dùng khi về nhà chồng.

Lễ xin định ngày cưới (to căm) có nghĩa là nối lời, khi gia đình nhà trai đã chọn được ngày lành, tháng tốt, ông trưởng họ sang nhà gái thoả thuận, định ngày cưới và nhà gái thống nhất yêu cầu lễ vật trong đám cưới.

Trong lễ cưới chính thức (kinh lẩu luông), lễ vật được nhà trai đem sang nhà gái từ chiều hôm trước. Lễ dẫn cưới gồm có 1 triệu đồng tiền mặt và thực phẩm: 1 con lợn quay, gạo, rượu... trong đó, nhất thiết phải có cá sấy và trứng gà. Lễ đón dâu được tổ chức vào buổi chiều hôm diễn ra đám cưới chính thức. Cô dâu mặc bộ quần áo đen, quấn khăn truyền thống. Theo quan niệm của người Tày: cô dâu trong ngày cưới quan trọng nhất là việc quấn khăn, khăn quấn làm sao phải chặt, đẹp. Chọn người quấn khăn cũng là khâu quan trọng, người được chọn là một phụ nữ khoẻ mạnh, đảm đang, gia đình hạnh phúc, con cái vẹn toàn và biết đối nhân xử thế.

Trước khi đón dâu, bao giờ cũng phải làm lễ cúng tổ tiên. Lễ vật cúng tổ tiên không thể thiếu đôi ga, gồm 1 con trống và 1 con mái, thể hiện cho sự sinh sôi phát triển. Số người đi đón dâu bao giờ cũng là con số chẵn, thành phần đoàn đón dâu bao gồm: ông trưởng họ, bà mối, phù dâu, phù rể cùng một số bạn bè và người thân từ 8 đến 10 người. Theo quan niệm của đồng bào: số chẵn tượng trưng cho điều may mắn.

Sau lễ cưới 3 hôm, đôi vợ chồng cùng bà mối và chị gái hoặc em gái chồng trở về thăm nhà vợ theo một phong tục, gọi là lễ “tao loi tin”. Lễ vật mang theo là đôi gà trống thiến, rượu, gạo... Khi trở lại nhà chồng, sau 3 ngày cô dâu mới được phép đi thăm họ hàng, bà con trong bản.
Theo hanhphuc.vn

Phong tục cưới hỏi của vùng người Mông ở huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai

Sa Pa là một huyện miền núi vùng cao nằm về phía tây bắc của tỉnh Lào Cai, diện tích tự nhiên 67.905 ha chiếm 8,44% diện tích toàn tỉnh. Sa Pa có 6 dân tộc cùng chung sống như Mông, Dao, Kinh, Tày, Dáy, Xa Phó dải từ vùng hạ huyện, qua trung huyện đến thượng huyện với tổng dân số 35.427 người phân bố không đều ở 17 xã và thị trấn. Dân tộc Kinh chủ yếu cư trú tại thị trấn Sa Pa sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ, các dân tộc khác chủ yếu cư trú ở các xã sống bằng nghề nông - lâm kết hợp. Phong tục cưới hỏi của vùng người Mông ở huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai được tiến hành như sau.
Sa Pa là một huyện miền núi vùng cao nằm về phía tây bắc của tỉnh Lào Cai, diện tích tự nhiên 67.905 ha chiếm 8,44% diện tích toàn tỉnh. Sa Pa có 6 dân tộc cùng chung sống như Mông, Dao, Kinh, Tày, Dáy, Xa Phó dải từ vùng hạ huyện, qua trung huyện đến thượng huyện với tổng dân số 35.427 người phân bố không đều ở 17 xã và thị trấn. Dân tộc Kinh chủ yếu cư trú tại thị trấn Sa Pa sống bằng nghề kinh doanh dịch vụ, các dân tộc khác chủ yếu cư trú ở các xã sống bằng nghề nông - lâm kết hợp. Phong tục cưới hỏi của vùng người Mông ở huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai được tiến hành như sau.
Phong tục hỏi vợ.
Trong cuộc sống đời thường, chuyện dựng vợ gả chồng người nào, vùng nào cũng đều thận trọng bởi phần lớn những đám cưới này đều là một sự quyết định cho cả cuộc đời mỗi con người…Do đó người nào cũng coi việc cưới hỏi là một trong những việc lớn và quan trọng của đời người. Cho dù mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có những tập quán cưới hỏi khác nhau rất phong phú, đa dạng, nhưng ý nghĩ chủ đạo trong việc cưới hỏi đều giống nhau, việc cưới hỏi của vùng người Mông Sa Pa cũng không nằm ngoài suy nghĩ đó. Sự quan tâm của họ còn sâu sắc hơn, mỗi khi có trai gái trẻ yêu nhau say đắm, thề thốt sẽ cùng xây dựng tổ ấm chung sống đến đầu bạc răng long. Khi hai người yêu nhau và có thời gian tìm hiểu nhau vài ba năm tới lúc họ thực sự muốn tổ chức kết hôn thành vợ thành chồng của nhau, người con trai thổ lộ ý định của mình với cha mẹ, cha mẹ tìm hiểu ý định của con trai qua hội bạn của con mình, bàn bạc với chú bác cùng góp ý thận trọng tiến hành từng bước một.
Tục nắm bắt thông tin.
Qua vài lần hội ý thống nhất, nhà trai cử người thân thiết như bà cô, hay bà dì, hay chị gái, em gái của chàng trai, có khi là người mẹ chàng trai lấy cớ tới chơi thăm thú họ hàng người thân ở làng nhà gái chơi với mục đích ngầm theo dõi những hành động, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, lối ứng xử giao tiếp của người con gái mà con trai nhà mình đã yêu. Ngoài ra còn thăm dò tin tức nhận xét đánh giá về nhân phẩm đạo đức, lối sống, tính tình của người con gái bên nhà gái qua hàng xóm láng giềng ở bản làng nhà gái. Khi đã có đầy đủ thông tin về nhà trai cung cấp lại toàn bộ thông tin mà tai nghe, mắt thấy cho chủ nhà trai, qua đó người chủ nhà bố của con trai mời bác chú đến cùng nhận xét đánh giá, cùng đưa ra nhận định chung: nếu như mọi người cùng chấp nhận thì bước tiếp theo được tiến hành, không chấp nhận thì buộc con trai từ bỏ ý định của mình.
Tục bói số vợ chồng:
Trong phong tục cưới hỏi của người Mông Sa Pa tục bói số hợp vợ, hợp chồng là một khâu hết sức quan trọng, việc này quyết định cho sự thành hôn hay không của đôi trai gái trẻ. Qua khâu nắm bắt thông tin người con gái được người nhà trai chấp nhận thì nhà trai tiến hành làm thủ tục bói số để đoán biết số mệnh của cô dâu tương lai và con trai nhà mình có hợp số mệnh không? Có sống được cả đời tới khi già không?
Tục bói số vợ chồng của vùng người Mông Sa Pa có hai hình thức khác nhau. Hình thức thứ nhất bói bằng hương: Khi bói người cha hay mẹ của con trai lấy ba nén hương đốt cháy sẵn ra đứng chính giữa ngoài cửa chính đọc lời cầu khấn với ma trời, ma đất, đọc ngày tháng năm sinh, con gái thứ mấy của nhà gái với con trai nhà mình sau đó quay vào trong nhà đứng tại cột ma chính đọc lời cầu khấn một lần nữa, đọc xong họ cắm cả ba nén hương xuống gốc cột ma chính, họ theo dõi và đoán biết kết quả tốt xấu qua quá trình cháy của ba nén hương đó nếu ba nén hương cháy đều nhau đến hết là được. Nếu có một nén hương cháy ở độ cao hơn, hai nén cháy thấp hơn đều nhau là rất tốt nó biểu hiện nén hương cháy cao hơn là cha mẹ trụ cột gia đình, còn hai nén cháy thấp đều nhau là cô dâu, chú rể tâm đầu ý hợp sau này hai vợ chồng sẽ có lối sống kỷ cương, kính trên nhường dưới, sống lâu tới đầu bạc răng long… Cả ba nén hương cháy không đều nhau là xấu. Hình thức thứ hai bói bằng con gà: khi bói người ta bắt một con gà con tầm bẩy tám lạng hay một cân cùng với ba nén hương người cha hay mẹ bói đều được, người bói cầm con gà và hương đốt cháy sẵn ra đứng chính giữa ngoài cửa chính đọc lời cầu khấn như đã nêu trên sau đó vào trong nhà đứng trước cột ma chính đọc lời cầu khấn như trên xong, người bói cắm ba nén hương xuống chân cột ma chính. Họ đem con gà bói đó cắt tiết tại trung tâm gian nhà chính thường thờ cúng tổ tiên khi con gà gần chết họ thả con gà xuống đất con gà dẫy nảy tứ tung, khi chết hẳn đầu quay về phía nào cũng được. Cách xem và đoán nhận biết biểu hiện tốt xấu: người bói thấy con gà chết quay đầu về hướng đông và hướng bắc họ cho là tốt, họ cho rằng nó biểu hiện ba điều tốt như sau:
Điều thứ nhất: Nếu lấy là được người con gái đó sẽ đồng ý về làm dâu nhà mình không có ai cản trở, hồn vía nó đã về rồi.
Điều thứ hai: Hai đứa con trai, con dâu có sự hướng thiện về phía ánh sáng mặt trời, đường đời sáng lạng trong tương lai.
Điều thứ ba: Hai đứa đều có tính tôn ti trật tự tôn trọng bề trên quan tâm tổ tiên. Nếu con gà đó chết quay đầu về hướng tây, nam là biểu hiện không tốt. Theo quan điểm của người Hmông Sa Pa thì hướng tây là hướng tối, hướng nam là hướng tụt. Nếu biểu hiện như vậy thì việc cưới hỏi sẽ không được thực hiện.
Qua việc tìm hiểu nắm bắt thông tin trên đi đôi với một trong hai tục bói số hợp vợ, chồng trên đây nhà trai cảm thấy hợp số mệnh giữa con trai nhà mình với người yêu thì các bước tổ chức sẽ được triển khai tiếp theo.
* Phong tục kéo vợ.
Truyền thống người Mông Sa Pa vốn rất tôn trọng nhau, nhất là phái nam tôn trọng phái nữ gần như mẫu hệ, phụ chủ đã ăn sâu vào tiềm thức con người nơi đây. Trong cuộc sống đời thường cái gì to cũng là của người mẹ kể từ chức quan, nhà cửa, ruộng nương… Ngược lại người mẹ, người vợ rất thương người cha, người chồng. Những hình ảnh người đàn ông say rượu nằm ngủ cạnh đường người phụ nữ cầm ô che nắng, tay dắt ngựa chở chồng về bản là một hình tượng đẹp chỉ có ở người Mông. Trong cưới hỏi người con gái được tôn trọng hơn, từ danh giá nhân phẩm cho đến đức tính quý phái của chị em với tính cách thương người thẳng thắn cương trực và tốt bụng của những chàng trai người Mông, hiện tượng yêu đương lăng nhăng, ly hôn ít xảy ra ở vùng người Mông. Biểu hiện sự kết hôn luôn bền chặt, ít khi bịũáo trộn.
Tục kéo vợ
Tục kéo vợ là một biểu hiện rõ nét người Mông thường dùng từ kéo cô dâu hay kéo vợ. Trong cuộc sống mặc dù đôi trai gái yêu nhau đắm đuối, từng thề thốt cùng chung sống với nhau cả đời, lúc lấy nhau thật cũng phải tổ chức kéo thì cô gái mới chịu về nhà chồng, không có cô gái nào tự bước chân về nhà chồng cả, ý nghĩa chính của việc kéo vợ thể hiện sự danh giá của người con gái qua ba nghĩa chính:
- Thứ nhất: Cô gái không bị xã hội đánh giá thấp hèn cam chịu chay theo con trai một cách mù quáng hạ thấp mình để hầu hạ nhà trai.
- Thứ hai: Người con trai thực sự cần lấy cô gái làm vợ thật với thiên chức của người mẹ mới tổ chức kéo vợ, thể hiện thái độ rõ ràng cụ thể.
- Thứ ba: Tránh sự đồn thổi tai tiếng xấu của xã hội và sự ngược đãi sau này của người chồng và người nhà trai.
* Chuẩn bị đi kéo vợ: Khi đã được nhà trai cho phép con trai được lấy vợ, cả nhà tập trung cùng lo, cho người đi mời phù dâu, phù rể, cô chú cùng đi giúp kéo vợ, đoàn người kéo vợ thường có ít nhất 5 người chính thức và một số người khác phụ giúp. Một cô gái trẻ chưa có chồng khác họ nhà trai làm phù dâu, một chàng trai khác họ với nhà trai chưa có vợ làm phù rể, một người anh hoặc bác ruột có hiểu biết cầm trịch, và chú rể chồng của cô dâu, một người thường là bà cô hay bà dì đại diện mẹ chú rể với một số bạn trai trẻ biết cách kéo vợ đi giúp chàng trai kéo vợ. Tiêu chí những người được chọn tham gia đoàn người kéo vợ gồm 03 tiêu chí chính:
- Thứ nhất: Phù dâu, phù rể phải là người chưa có chồng, chưa có vợ, có lối sống đạo đức tốt, kính trên, nhường dưới, nói năng nhẹ nhàng có hiểu biết.
- Thứ hai: Người cầm trịch và người nữ đại diện cho nhà trai là những người có vợ chồng, con cái đầy đủ (không hoá vợ, hoá chồng), làm ăn phát đạt sống có uy tín với bản làng.
- Thứ ba: Tất cả số người này phải biết cách kéo vợ, bởi cách kéo vợ của người Hmông là cả nghệ thuật sống thực sự, chính cô gái bị kéo là người chịu ảnh hưởng lớn, nếu không biết cách kéo, khi kéo sẽ bị sứt đầu mẻ chán làm đau đớn cho người bị kéo, khi đôi co với người thân và cô gái bên nhà gái.
Trước khi đi cả đoàn người hội ý thống nhất, khi đi chia theo tốp để tránh sự nghi ngờ của người khác. Con trai và phù rể đi trước, phù dâu và người đại diện mẹ nhà trai theo sau, người đàn ông cầm trịch nhà trai và tốp con trai đi kéo hộ đi sau cùng. Khi tới điểm hẹn nhà trai bố trí sẵn cho con trai mình hẹn gặp người yêu đến cùng tâm sự tại một địa điểm thuận lợi như đón đường nhà gái đi làm, đi chợ hay đi chơi xuân ngày tết… Mọi người nấp vào các bụi rậm hai bên đường để lại chàng trai và phù rể dạo bộ để đón gặp bạn gái, khi thấy người yêu xuất hiện thì chàng trai chủ động chào hỏi tán tỉnh giữ chân cô gái lại nói chuyện một lúc để cô gái không đề phòng nữa.
- Bắt đầu kéo: Chàng trai tán tỉnh cô gái một lúc thấy thuận lợi, chàng trai tóm lấy tay cô gái nói: Lần này ta kéo nàng về làm vợ ta đây. Nói xong chàng trai giữ chặt lấy người yêu lại, những người kéo giúp sám vào hai người biết kéo tì vai vào nách cô gái, quẳng hai cánh tay vào vai của hai người kéo giữ chặt lại cứ thế nhấc bổng cô gái lên mà chạy về nhà chồng, kéo kiểu này là người biết cách kéo, không gây thương tích cho người bị kéo, chân người bị kéo không chạm đất, không có lực giằng co, không đánh trả được, mồm không thể cắn ai được. Hai người kéo cô gái đi một quãng xa thấy mệt thì hạ cô gái xuống và giữ chặt, hai người khác đến thay thế và đưa cô gái về đến nhà trai.
Nếu như gặp phải sự phản ứng gay gắt của người nhà gái thì hội kéo cứ thế  kéo cô dâu đi, để lại người cầm trịch hát đối đáp với người nhà gái, chú rể ở lại với người cầm trịch để tạ lỗi với người nhà gái, phù dâu, phù rể cùng cô dâu về nhà trước. Khi về đến gần nhà trai, đoàn người kéo vợ cử một người chạy trước về báo với những người chờ sẵn trong nhà như bố, mẹ hay các cô, chú của chú rể bắt một đôi gà, một gà mái tơ, một gà trống chưa gáy đợi sẵn ở cửa chính khi đoàn người kéo cô dâu về đến đó thì người đó làm lý gọi hồn. Lúc đoàn người về đến cửa thì chưa vội đưa cô dâu vào nhà, người ta giữ cô dâu, chú rể ở ngoài cửa chính, người làm lý đốt ba nén hương tay cầm đôi gà huơ huơ chân, cào cào từ đầu đến chân cô dâu, chú rể lẩm bẩm gọi hồn, xong xuôi mang gà mổ thịt làm cơm tiếp đãi đoàn người đi giúp kéo cô dâu. Trong bữa cơm này nhà trai mời một người có hiểu biết cùng ăn cơm, sau đó giúp nhà trai sang nhà gái báo tin cho nhà gái biết, nhà trai đã kéo được con gái họ về làm dâu nhà trai. Nhà trai mang lễ vật báo tin là một gói thuốc lá tự trồng, một sừng trâu rượu. Khi người báo tin đến nhà gái, nhà gái đi mời ông bác hay chú đến nhà đại diện cho nhà gái tiếp người báo tin. Người báo tin mời thuốc, mời rượu cho người đại diện nhà gái và cả những người có mặt trong nhà gái xong, người báo tin chính thức rót hai chén rượu đưa cho người đại diện nhà gái và dạm hỏi lễ vật mà nhà gái cần thách và thời gian để làm lễ cưới. Khi đã được nhà gái công bố các lễ vật xong, người báo tin về nhà trai báo lại toàn bộ sự việc các loại lễ vật cho nhà trai, thời gian để hai bên tổ chức lễ cưới.
Từ khi kéo được cô dâu về, nhà trai bố trí cô dâu và phù dâu ngủ chung ba đêm, sáng thư ba giã bánh dầy đưa cô dâu về nhà lấy đồ thay. Đoàn người đi sang nhà cô dâu lấy đồ gồm cô dâu, chú rể, phù dâu, cha hay mẹ chú rể, khi đến nhà gái chú rể phải quỳ lậy tất cả các thành viên nhà gái để làm quen. Nhà gái tổ chức bữa cơm tiếp đãi nhà trai, tại bữa cơm này người đại diện nhà gái bà dì hay bà cô hỏi cô gái thật kỹ có thể chung sống cả đời với nhà trai được không? Khi đến nhà gái, cô gái vui vẻ trả lời và đồng ý về làm dâu nhà trai. Thấy vậy nhà gái yên tâm dọn đồ tư trang của cô gái cho cầm về nhà chồng bắt đầu một cuộc sống mới được ăn nằm chung như vợ chồng thật, mọi việc chuẩn bị cho đám cưới bắt đầu. Nếu như vừa đến nhà gái người con gái buồn rầu, khóc lóc van xin cha mẹ không muốn về nhà trai thì hôn nhân chấm rứt từ đó.
Việc làm này gần như tạo điều kiện cho cô dâu tương lai được về sống thử với nhà trai trong thời gian ba ngày, nếu qua cảm nhận trong ba ngày đó được cô dâu chấp thuận thì cuộc sống làm dâu được chính thức bắt đầu diễn ra, nếu không coi như đã chấm dứt.
          Phong tục tổ chức đám cưới.
Qua việc lấy đồ thay, nếu cô dâu vui vẻ về với chú rể thì nhà trai chuẩn bị các lễ vật tổ chức lễ cưới cho đôi bạn trẻ qua việc thách lễ vật cưới của nhà gái thường thì lễ vật gồm:
-         Lợn: 01 con 50 kg
-         Rượu: 40 lít rượu nấu bằng thóc hay ngô
-         Tiền: Hai triệu đồng tiền mặt
-         Gà: 04 con luộc chín
-         Thìa gỗ: 02 cái, một túi xôi to để ăn trưa
-         Một ít thuốc lá tự trồng, một số tiền đề phòng phát sinh.
Chọn ngày tổ chức đám cưới:
Vào mùa đông - xuân chọn ngày thìn và các ngày khác trong tuần tuỳ theo sở thích của nhà trai, nhưng thường thì người ta trừ ngày lập xuân của năm đó (ngày có tiếng sấm đầu tiên của năm) và các ngày con giáp có tính độc ác như ngày dần, thân, ngọ… Các ngày mất của người thân trong hai nhà trai và gái.
Vào mùa hè - thu thường bỏ ngày thìn. Người Mông cho rằng vào mùa này rồng hay tác oai, tác quái làm mưa làm gió, đám cưới chọn ngày này vợ chồng trẻ sống với nhau hay bị đảo lộn cuộc sống.
Ban tổ chức lễ cưới.
a)    Bên nhà trai gồm có:
- Một ông Trưởng ban người Mông gọi là “Txir tuôv minhx cungz”;
- Một ông phó ban người Mông gọi là “Txir lưv minhx cungz”;
- Chú rể;
- Cô dâu;
- Một cô phù dâu;
- Một anh phù rể;
- Một người dắt lợn một người thồ rượu, hai người này gọi là khách chuyển giao lễ vật (kruô xang tsax).
Ngoài ra còn có người cha của chú rể đại diện chính cho nhà trai.
b) Bên nhà gái gồm có: Hai ông trưởng, phó ban như nhà trai, một ông quan làng làm nhiệm vụ giữ trật tự đám cưới, những người thân quen hàng xóm láng giềng.
          - Tại nhà trai:
          Trước khi chuẩn bị đi sang nhà gái, nhà trai làm bữa cơm tiếp đãi những người trên, sau khi ăn cơm sáng xong, người nào vào việc nấy, người trưởng ban tổ chức đi trước, đến người phó ban, chú rể, cô dâu, phù rể, phù dâu sau đó là người dắt lợn, thồ rượu, đi đến nửa quãng đường mọi người chọn chỗ nghỉ ăn trưa lấy gà, xôi bẻ chia cho mỗi người một miếng thịt và nắm xôi ăn. Trước khi ăn ông trưởng ban tổ chức (Txir tuôv minhx cungz) làm lý đánh đuổi ma tà để cho mọi người đi đến nơi về đến chốn, để cho hai vợ chồng sau này không bị tà ma quấy rối để cho cha mẹ và cô dâu, chú rể sống hoà hợp. Sau khi ăn xong mọi người lại lên đường đi sang nhà gái, đây là một thủ tục trừ tà ma trong đám cưới mà đám cưới nào khi đi cũng làm, về cũng làm, không được bỏ qua.
          - Đến nhà gái:
          Đoàn người nhà trai đến nhà gái đều phải đi qua cửa chính, trưởng phó ban nhà trai vào trước, đeo sừng trâu rượu và ô vào treo đúng cột ma chính trong nhà gái, đầu sừng rượu quay vào trong, tiếp đến hai người chuyển lễ vật, tiếp đến cô dâu, chú rể và đến mọi người, khi ngồi yên vị, hai bên nhà trai, nhà gái mời thuốc, mời rượu nhau xong. Hai ông trưởng, phó ban nhà trai bắt đầu câu chuyện với hai ông trưởng, phó ban nhà gái, mở đầu câu chuyện, hai ông xin chén của nhà gái uống rượu tiếp theo kiểm chứng và bàn giao lễ vật mà bên nhà gái đã thách, định sẵn cho nhà trai từ trước, nếu mọi lễ vật đủ cả số lượng và chất lượng xong, sau khi giao đủ lễ vật cho hai ông trưởng, phó ban tổ chức nhà gái thì lễ cưới được tổ chức ngay. Nếu qua kiểm chứng mà lễ vật không đầy đủ thì hai bên bàn bạc gia hạn trả đủ. Gặp phải trường hợp này thì lễ cưới kéo dài thời gian hơn.
          Sau khi giao lễ vật cho nhà gái, hai ông ban tổ chức nhà gái giao cho những người giúp việc mang lợn đi mổ thịt, lễ cưới được thực hiện.
Kiêng kỵ, cách bầy mâm, lệ ăn uống.
          Trong đám cưới người Mông thường lệ có một số kiêng kỵ nhằm tránh những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống sau này của hai vợ chồng trẻ:
Thứ nhất: Khi nấu nướng đồ ăn không được để gáo múc nước trong thùng nước bởi như vậy khi múc nước sóng hay xô đẩy gáo hay xoay tít sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hai vợ chồng sau này cứ loanh quanh chỗ này, chỗ nọ không ở được nơi nào cố định, cuộc sống sẽ khó khăn vất vả.
Thứ hai: Khi bầy đồ ăn lên mâm cưới không nên làm rơi vỡ bát, chén đũa thìa bởi vô tình như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống vợ chồng trẻ sau này, sống nửa chừng đang yên đang lành thì đùng cái thì chết vợ hoặc chết chồng. Nhẹ cũng gẫy chân, gẫy tay, cuộc sống đen đủi.
Thứ ba: Không ăn muối tiêu ớt, nếu ăn muối cuộc đời sau này sẽ gặp sót xa, ăn tiêu ớt cuộc đời sẽ gặp đắng cay. Chính vì bảo vệ cuộc sống cho cô dâu, chú rể cả cuộc đời sau này được yên vui bền vững việc kiêng kỵ rất quan trọng nên mỗi khi tổ chức nhà trai phải bàn với nhà gái rất kỹ để chọn ra một người giỏi dang ngăn nắp đứng ra quản lý những người tham gia nấu nướng đò ăn một cách thận trọng.
Khi thịt chín, trước tiên họ bầy mâm múc ra mỗi thứ một ít thịt ở các tạng phủ của con lợn cưới bầy lên trên đó cho ông chủ nhà gái khấn thờ tổ tiên, sau đó mới bầy cỗ.
Quy định loại mâm.
Trong đám cưới người Mông, người ta phân ra hai loại mâm, loại mâm chính khách dành cho đàn ông thường có đặt danh như các ông trưởng, phó ban tổ chức của hai bên, quan làng, các vai vế có danh khác thường được bầy trước bàn thờ tổ tiên, thường sắp xếp chỗ ngồi từ cao xuống thấp, từ đông sang tây… Loại mâm phụ thường dành cho những người nữ chính khách hai bên và số khách tới dự bình thường bầy chỗ nào cũng được.
Cách bầy mâm chính và quy định chỗ ngồi.
Trong đám cưới của người Mông thường bầy mâm cơm chính theo chiều dài ngôi nhà, trong gian giữa hướng Đông Tây, người ta kê một dãy bàn dài để bầy thức ăn người ngồi xung quanh như hình chữ nhật. Bên đầu mâm phía Đông sát tả ly trong nhà là chỗ ngồi của bố cô dâu, cạnh bên trái phía cửa là chỗ ngồi của bố chú rể, chỗ giáp tả ly dương phía trong bàn thờ là chỗ của ông trưởng ban tổ chức bên nhà gái tiếp là ông quan làng và anh em nhà gái. Hàng ghế sát ngoài cửa chính bên tả ly âm là ông trưởng phó ban nhà trai, chú rể, phù rể và người đưa lễ vật. Sau khi ổn định chỗ ngồi người ta bầy chén, bát đĩa theo số người ngồi trên mâm, còn lại người ta sắp xếp bầy các mâm phụ ở các gian nhà khác sao cho hết chỗ khách đến dự đám cưới. Trong truyền thống của người Mông, người ta bố trí nam, nữ ăn riêng, do vậy ngoài mâm chính khách ra, người ta bầy mâm chính khác cho nữ chính khách của hai nhà trai gái ở gian bếp lò, do chị em không phải thờ cúng tổ tiên không nhất thiết phải ăn cơm trước bàn thờ tổ tiên.
Lệ ăn uống.
Theo lệ làng người Mông thường quy định uống rượu ăn cỗ phải cân bằng nên cần có người điều hành, nếu không việc uống giả dối người uống cạn, người không, nếu không cẩn thận thì khách sẽ bị đói khát do việc giữ ý xấu hổ…Gia chủ sẽ bị mang tiếng không quan tâm đến mọi người. Do đó người Mông có câu cơm có ngon hay không cũng phải ăn ba bát, rượu có ngon hay không cũng phải uống ba chén, đất có tốt hay không cũng phải ở ba năm.
Khi làm món ăn người ta lấy các bộ phận tạng phủ của con lợn đem nấu riêng từng món khi bày đầy đủ các món lên mâm, người ta cử hai người làm nhiệm vụ rót rượu và điều hành ăn uống tên gọi: Người cầm bằng (tuz tuôr tax), mọi việc xong xuôi hai người này công bố bữa ăn đã được. Lúc này ông quan làng đứng lên trịnh trọng tuyên bố bữa tiệc được tiến hành, ăn uống phải nghiêm túc không được lợi dụng rượu say sách nhiễu…
Bốn ông chủ hôn đứng lên làm lý cảm ơn nhau, mời nhau uống rượu, mời nhau thức ăn, khi ăn hai người cầm bằng luôn đi lại sau lưng của khách, kiểm tra chén, bát lần lượt từ hai ông bố đến hết mọi người trên mâm, thấy trong chén người nào hết rượu, trong bát hết thịt thì rót tiếp lần thứ hai, chén ai còn ít rượu, bát còn ít thịt thì họ rót đầy rượu, gắp đầy thịt bắt phải ăn uống hết mới được rót tiếp. Sau ba lượt chén uống rượu ông chủ hôn nhà trai xin phép cả mâm cho chú rể và phù rể làm lý tạ ơn những người đến dự đám cưới. Nhà gái lấy một chiếc chiếu trải trước cửa chính chú rể và phù rể đứng cạnh chiếu hướng vào mâm cơm chính khách và bàn thờ nhà gái khi chủ hôn đọc lời: Cùng tổ tiên ma nhà lạy một lạy, lúc này chú rể, phù rể quỳ lạy một lần, đọc tiếp vế hai: Lại nhận diện, hai người lạy một lần. Việc này diễn ra hết những người có danh vế trong đám thì mọi người ăn cơm, sau bữa cơm số người nhà trai chuẩn bị ra về. Lúc này cả đám cưới rộn vang tiếng nói tiếng cười hát hò đưa đón dâu. Các anh em trai bên nhà gái thì ai cũng cầm bầu rượu, chén chúc trong tay nhằm làm quen và chúc mừng cho chú rể qua những bài hát đối đáp say đắm. Chị em phụ nữ cũng không kém, người nào cũng má hây hây đỏ tay cầm bầu rượu đi chúc mừng cô dâu. Bước tiếp theo là uống rượu thích (tới) nhà gái bố trí nam thanh nữ tú chưa vợ chưa chồng mỗi người một bầu rượu để uống với những người cùng trang lứa bên nhà trai. Những ông cụ bà cụ bảy tám mươi tuổi cũng cầm chén rượu thủ thỉ cất lên những câu hát thời còn trẻ. Cả đám cưới biến thành một cuộc đua tài ca hát của nhiều đối tượng khác nhau như một hội hát thực thụ, một cơ hội gặp gỡ làm quen kẽo dài mãi không ngừng.
Lúc này đòi hỏi chủ hôn và nhà trai giỏi hát đối đáp mới nhanh thoát khỏi nhà gái. Khi về đến nhà trai, những người khá giả thì tổ chức đám cưới lần thứ hai tại nhà trai việc tổ chức này chỉ mang ý nghĩa thiết thết đãi cảm ơn những người giúp việc, mọi thủ tục không nhiều nên còn tuỳ thuộc vào từng gia chủ với hoàn cảnh cụ thể.
Kết luận:
Trong việc cưới hỏi của các dân tộc Việt Nam ta rất phong phú và đa dạng, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có lễ thức truyền thống tổ chức cưới hỏi từ lâu đời tồn tại trong cộng đồng dân tộc từng vùng miền. Tuy nhiên việc bảo tồn và duy trì những hình thức cưới hỏi này cho tới nay ít bền vững, do bản thân nó còn chứa đựng một số tập tục lạc hậu và sự đua đòi của một số ít người. Còn một số người hay buông lỏng sự quan tâm không gìn giữ và phát triển nó cho đời sau, đi đôi với việc kinh tế còn khó khăn vô hình chung các dân tộc mong muốn việc cưới hỏi đơn giản bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Hiện nay việc cưới hỏi của dân tộc các vùng miền gần giống nhau với cùng ý nghĩ ăn góp ăn trả. Đến dự đám cưới ai đến trước ăn trước, ai đến sau ăn sau vội vàng nộp phong bì xong về luôn, tình trạng này gần như diễn ra từ thành thị đến nông thôn. Tổ chức như vậy sẽ làm mất đi sinh hoạt văn hoá trong cưới hỏi, có nguy cơ đánh mất luôn giá trị văn hoá truyền thống trong cưới hỏi mà cha ông ta đã dày công gây dựng nên.
Trong việc cưới hỏi của người Mông Sa Pa ít nhiều cũng bị ảnh hưởng như trên, may thay họ vẫn còn lưu giữ được. Sa Pa là vùng du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Du lịch phát triển, truyền thống văn hoá các dân tộc được coi trọng, văn hoá cưới hỏi, phong tục kéo vợ được đưa ra thành những chương trình biểu diễn sinh hoạt văn hoá chợ (chợ tình Sa Pa) là một hình thức đặc biệt còn nguyên bản sắc văn hoá riêng của người Mông Sa Pa ít nơi nào còn tồn tại. Qua bài viết này, rất mong nhận được sự chia sẻ quan tâm và bảo tồn những giá trị văn hoá còn tồn tại trong mọi vùng miền để đóng góp phong phú cho văn hoá nước nhà./.
Giàng Seo Gà
     Trung tâm VHTT-TT
huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Phong tục tập quán của các dân tộc ít người ở miền núi

Ở Bình Thuận, các dân tộc ít người ở miền núi sống rải rác ở vùng rừng núi phía Tây và Tây Bắc của tỉnh. Tiếng nói của bà con thuộc ngữ hệ khác nhau (Raglai không giống với Cơ Ho) nhưng có những nét giống nhau về sinh hoạt tập quán của người dân miền sơn cước, nhất là về tín ngưỡng.

 Bà con không thờ tổ tiên, không có tôn giáo chính thống và tin theo thuyết đa thần, tôn sùng đấng tối cao vô hình được mệnh danh là Giàng (còn gọi là Nhang); coi như mọi sự trên đời: sanh, lão, bệnh, tử cũng như các điều may mắn hay rủi ro đều do Giàng định đoạt; muốn làm gì cũng phải cúng xin Giàng. Và Giàng không chỉ có một mà hiện ra thành nhiều thần linh gắn với thiên nhiên sông suối, Giàng của nương rẫy, Giàng của mưa gió, sấm sét… và có cả Giàng của ché rượu. Mỗi gia đình tự chọn một vị thần hộ mệnh riêng.

Song ở sắc tộc nào cũng vậy, Giàng lúa được coi là vị thần linh phổ biến trong lễ thức nông nghiệp trải suốt quá trình một mùa rẫy, ví như thần rừng khi chọn đất làm rẫy, cúng thần lửa khi đốt rẫy, rồi cúng trước khi trỉa lúa, cúng khi lúa làm đồng, cúng trước khi tuốt lúa, cúng khi lúa về kho. Đây là dịp Tết cổ truyền đánh dấu một năm lao động sản xuất gắn liền với cúng cửa kho để lấy thóc ra ăn. Nhóm cư dân làm lúa nước cũng tiến hành các thể thức cầu mùa, như sạ giống có lễ cầu trời đổ mưa; lúa mọc xanh làm đồng có lễ cầu lúa nhiều bông; sau khi thu hoạch có lễ quạt thóc, lễ động kho, rồi đến lễ cơm mới. Đây cũng là dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Nhóm Cà Dòn trong dân tộc người Cơ Ho khi vui Tết cơm mới có tục vãi cơm ra sàn nhà với niềm tin vụ sau sẽ có nhiều thóc gạo dồi dào như thế.

Do tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” nên đồng bào thường hay cầu cúng mong được mọi sự may mắn, tốt lành, trừ bỏ tai họa. Lễ cúng nhỏ chỉ cúng gà, lễ cúng lớn thu hút cả buôn làng tham dự nhất thiết phải có heo hay trâu.

Lễ đâm trâu để tạ ơn thần linh ban sự yên lành và cho được mùa thường được cử hành quanh đống lửa. Tùy nơi, thân cột lễ được khắc các đường nét hoa văn tô màu sắc đẹp làm cho quang cảnh thêm từng bừng. Từng tốp gái trai mặc sức chưng diện, tay chân đeo nhiều vòng bạc, quây quần nhảy múa giữa nhịp trống và tiếng mã la vang lên rộn ràng. Theo lệnh của già làng, các trai tráng cầm dao nghe hát dứt câu bèn xông tới con trâu bị cột, chém mạnh vào hai chân sau của nó cho đến khi trâu ngã quỵ. Người ta xúm lại xẻ thịt đem thui nướng trên lửa và chấm muối ăn tại chỗ.

Thông thường, lễ hội của đồng bào đều có tục đánh mã la và uống rượu cần. Thời gian tiến hành lễ hội giữa các sắc tộc lại không giống nhau. Người Cơ Ho xưa kia bày lễ hội kéo dài hàng tháng trời vào cuối mùa nắng trước khi đốt rẫy. Trong thời gian gọi là “tháng không quên” đó, họ ăn uống liên miên hết xóm này đến xóm khác, vui chơi thỏa thích với các cuộc rủ nhau đi bắt cá, săn thú… khi đốt rẫy xong, chờ mưa tới mới bắt đầu chọn đất rồi chọt lỗ, bỏ hột giống.

Người Raglai sau khi gặt hái xong có “mùa uống rượu” kéo dài khoảng từ tháng 12 dương lịch đến tháng 4 năm sau (theo cách tính thời gian của đồng bào, cứ mỗi độ trăng tròn là một tháng, sau một mùa rẫy là một năm. Còn muốn tính được bao nhiêu năm cũng như tuổi đời thì quen với cách dùng dây thắt gút để đếm). Nhà nào cũng chuẩn bị mấy ché rượu lớn. Chủ nhà giết heo gà mời chòm xóm đến tha hồ ăn nhậu. Khách đến dự vui cũng không quên gùi theo ché rượu để uống cho đã. Cả thanh niên nam nữ đều sành rượu vì đã tập uống từ khi mới lớn. Theo tục lệ, khách tới chơi nhất thiết phải được chủ nhà mời rượu và chỉ vui bụng khi cả khách lẫn chủ đều cùng uống cho đến say rồi lăn ra ngủ tại chỗ. Hôm sau tỉnh dậy mới ai về nhà nấy, rồi lại rủ nhau tiếp tục đến uống ở nhà khác.

Ngày nay, nhiều tập tục cũ đã giảm bớt. Như Tết Nhô Vrê R’He là tết mừng bông lúa trĩu hạt về nhà làm lễ cúng Thần lúa, thay vì kéo dài suốt tháng đã rút gọn còn 3 ngày vào giữa tháng chạp âm lịch sau ngày gặt hái. Rạng sáng ngày rằm, người Raglai nào cũng lấy một ít lúa mẹ từ bồ thóc đầy đem rửa sạch, rang khô bỏ vào cối giã. Chày làm bằng loại tre đá cắm chọc vào một thân cây được khoét lổ tạo nên âm thanh vang rộn. Gạo giã xong đem nấu nồi cơm mới cúng tạ thần lúa, tạ ông bà, cầu mong mùa lúa tới có thóc đầy bồ. Chỉ sau lễ cúng này, lúa trong bồ mới được lấy ra dùng hằng ngày.

Dịp lễ tết Thần lúa, người Cơ Ho vùng thấp thường dựng cây nêu trước nhà, gia đình nào cũng chuẩn bị heo gà mời bà con thân thuộc trong làng đến chung vui. Người Mạ, người Chu Ru cúng Thần lúa, không quy định ngày, không dựng nêu, nhưng bàn thờ trong nhà được trang trí khang trang với những vật thờ mắc trên vách giữa nhà như sừng min, sừng sơn dương, gạc nai biểu thị cho sức mạnh chinh phục và chế ngự thiên nhiên. Trong lễ hội, bà con dân tộc tổ chức sinh hoạt văn hóa đánh mã la, thổi kèn bầu, múa hát, uống rượu cần, ăn thịt nướng dưới trời trăng sáng đến khuya. Rượu cần là lễ vật không thể thiếu. Lễ đầu lúa, uống rượu cần để mừng Giàng cho mùa bội thu, mừng báo đáp trọn vẹn công ơn của người đã khuất. Lễ bỏ mã, uống rượu cần để tỏ niềm lưu luyến tiếc thương giữa kẻ ở người đi. Lễ cưới, uống rượu cần để mừng nam nữ lứa đôi hạnh phúc. Lễ cúng đầu lúa cũng là dịp các cô gái, chàng trai bận những bộ trang phục màu sắc sáng tươi gặp gỡ trao duyên và động viên nhau lao động sản xuất qua những lời dân ca giàu tình cảm.

Về hôn nhân, bà con dân tộc ít người ở miền núi theo chế độ mẫu hệ. Quyền chủ động trong cưới hỏi thuộc về người con gái, tự chọn cho mình một chàng trai ưng ý rồi báo cho cha mẹ biết để tìm người mai mối có uy tín trao cho nhà trai một vật quý để làm tin. Hôn lễ được tổ chức tại nhà trai, sau đó nhà gái rước rể về nhà mình. Theo tục lệ, nhà trai đưa cho nhà gái trâu bò, chiêng ché, chén bát coi như của hồi môn. Sau hôn nhân, việc ly hôn rất ít xảy ra. Trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của già làng. Ngoại tình là một tội phạm bị luật tục phạt rất nặng. Người dân tộc miền núi cấm quan hệ hôn nhân trong cùng một dòng họ. Với người Cơ Ho, khi vợ chết, người chồng có thể lấy em gái hoặc chị gái của vợ. Ngược lại, khi chồng chết, người vợ có thể lấy em trai hoặc anh trai của chồng. Hiện nay ở vùng dân tộc miền núi, những luật tục tiến bộ trong hôn nhân kết hợp với luật hôn nhân gia đình đã tạo nên nét văn hóa đẹp.

Xem thêm các chủ đề:

Phong Tục Cưới của Lào

Nếu lấy thời lượng được đất nước và con người Lào cưu mang, cọng thêm những mảnh tim khi to khi nhỏ, khi nông khi sâu, khi nặng khi nhẹ … đã để lại trong lòng các nàng phù-sáo (cô gái Lào), theo lẽ người viết bài nầy phải được hân hạnh làm rể 100% đất và người Lào mới hợp tình hợp lý, thế mà tình ý định bất thắng nhân duyên.
Đôi khi một mình loay hoay với bàn phím, làm sao tránh khỏi những phút chạnh lòng nhớ về từng cảnh cũ với từng người, từng người, từng người xưa… Mà trong những lúc chạnh lòng như thế, tránh sao khỏi chuyện dòng suy tưởng thoát ly, đẩy đưa đưa đẩy tới mộng, tới giả tưởng rằng nếu xưa mình kết được một trong mấy cô phù-sáo 100% kia, không biết nghi thức đám cưới phía nàng có gì rắc rối khác biệt, tương phản tương đồng với nghi thức phía mình không ?

Chúng tôi sưu tập trong bài nầy những nghi thức trong hôn lễ của dân tộc Lào, thỉnh thoảng khi thuận tiện sẽ bổ túc bằng vài quan niệm hay nghi thức hôn nhân Việt Nam, giới thiệu đến bạn đọc người Việt với chủ ý thử cùng nhau phản ánh phần nào những điểm tương đồng hay dị biệt trong phong tục và tập quán của hai xứ sở vốn kề sát bên nhau, lại đã có nhiều quan hệ tình cảm qua nhiều thế kỷ (1), vì dù sao hôn nhân - một nền tảng lớn của văn hoá, mà văn hoá là lẽ sống – mãi mãi là căn bản tổ chức gia đình rồi tổ chức nhân quần xã hội của bên nầy hay bên kia dãy Trường Sơn.

Có biết và hiểu tập tục cá tánh của nhau thì trong giao tế cá nhân hay trong ngoại giao giữa quốc gia với quốc gia, theo chúng tôi, không những tránh được ngộ nhận đáng tiếc mà, qua đó, còn dễ thông cảm nhau hơn, nhất là dễ đặt vấn đề và giải quyết vấn đề - nếu có - giữa và với nhau hơn.Và dĩ nhiên chúng tôi cố ý tránh nhắc tới chế độ năm thê bảy thiếp, một chế độ chẳng hay ho gì, vả lại cũng đã lỗi thời ; cũng như sẽ bỏ qua trường hợp hôn nhân dị chủng Lào-Việt, Lào-Pháp, Việt-Mỹ, Việt-Đức … ; dị giáo Phật-Chúa, Phật-Hồi …

Luỵến ai giữa trai và gái :

Nguyên tắc Khổng-Mạnh «nam nữ thọ thọ bất thân» hay «nam nữ dị biệt » là do ta chịu ảnh hưởng của Tàu trong nhiều thế kỷ. Nhưng xét ra, nguyên tắc phân biệt khắt khe nầy chỉ thực sự có trong các gia đình trưởng giả, quan lại, quý tộc tức lớp người may mắn (?) được đọc sách thánh hiền… Tàu ; còn trong lớp người thường, nguyên tắc luân lý nầy xem ra rất tương đối. Nói thế là vì qua kho tàng văn thơ bình dân còn lưu giữ được tới ngày nay, lượng thơ « nam nữ hữu biệt » (so với số văn thơ « nữ nam bất biệt » ) thật không đáng kể, chẳng nghĩa lý gì. Hơn nữa nước ta là nước canh nông, đồng áng tức là sở trường của tuyệt đại đa số là lớp bình dân thì chẳng lẽ các sinh hoạt hàng ngày trên đồng trên ruộng, những lúc nghỉ ngơi trên đê, bên rạch ; những dịp hội hè, đình đám với tục Hát Ví, Hát Giặm, Hát Quan Họ, Hát Bài Chòi… giữa thanh niên thanh nữ lại không có tiếp xúc ? Nếu không có tiếp xúc thì do đâu lại có cả toà văn thơ luyến ái gái trai muôn hình nghìn dạng mà chúng ta vẫn tự hào ?

Song rốt cuộc, nguyên tắc luân lý « nam nữ hữu biệt » ấy cũng đã đi qua để gặp nguyên tắc « nam nữ bất biệt » của dân tộc Lào vốn đã thành tập tục từ xa xưa :

Trai, gái Lào làm quen, tìm hiểu nhau dễ dàng, cởi mở. Con gái Lào, từ 16 tuổi trở lên, được tự do tiếp bạn trai tại nhà, có thể cùng bạn trai đi dự các buổi lễ (Bun), hội chợ (Ngan) trong hay ngoài làng, trong tỉnh hay ở các làng phụ cận. Tình đôi lứa nẩy nở từ sự giao thiệp cởi mở trong khuôn khổ lễ giáo nầy. Người Lào quan niệm vấn đề nam nữ như Cát với Nước, cát với nước tự nhiên thu hút nhau qua tiếp xúc, giao tế. Quan niệm việt nam thì cho chuyện tiếp xúc giữa trai gái như Lửa với Rơm.Không biết tập tục của họ, nhiều anh ngoại quốc, ngoại kiều ( Tàu, Việt…) ngộ nhận sự cởi mở thành sự dễ dãi, tưởng bở nên dại dột đi tắt quá trớn và đã bị lắm phiền hà, tủi nhục.
Theo tục và luật Lào, sự ruồng rở nầy là một tội lỗi, phạm tới Phí Huốn ( thần nhà và phong tục). Chỉ cần cô phù-sáo tuyên bố đã bị chàng trai làm nhục là chàng trai phải trả một số tiền phạt (tục gọi là Pèng-Huốn). Trường hợp nầy gia đình bên cô gái sẽ cử một đại diện đi báo tin cho gia đình chàng trai. Và sau khi đã có đầy đủ chứng cớ, các phù-thậu, phù-kè (bô lão) trong làng hay trong tỉnh sẽ ấn định số tiền phạt như thế nào, tùy mức độ của sự xâm phạm. Hơn nữa, chàng trai còn phải tổ chức một buổi « tạ tội » tại nhà cô gái. Có điều, nếu muốn, chàng có quyền xin cưới cô gái thì có thể tránh được khoản Peng-Huốn.Khi ông bà – nếu các cụ còn sống – và cha mẹ của đôi bên quyết định bàn chuyện kết hợp cho con cái họ thì hai anh chị đã yêu nhau hoặc tối thiểu cũng đã quen biết nhau rõ ràng. Trước nay hôn nhân Lào chưa bao giờ có cảnh lần đầu vợ biết mặt chồng là trong ngày cưới .
Theo dulichlao.com
Xem thêm :

Tục cưới hỏi của người Cơtu

Nhân Lễ hội văn hóa - du lịch các dân tộc miền núi Quảng Nam vừa khai diễn tại các huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, xin giới thiệu đến độc giả tục cưới hỏi của người Cơtu - một phong tục tập quán đặc trưng ở vùng núi Quảng Nam qua biên khảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Giao Thủy.

Việc cưới xin của người Cơtu có phần giống với người Kinh hơn các dân tộc thiểu số khác. Có thể kể theo trình tự một số nghi thức sau đây :
Đầu tiên là lễ chạm ngõ (Ganoo), phần lớn là do người mai mối thực hiện. Sau lễ hỏi một thời gian là lễ cưới. Thời gian giữa lễ hỏi và lễ cưới ngắn hay dài là tùy theo hai gia đình, có khi chủ yếu là tùy già làng, vì nếu già làng không xin phép được thần linh trong năm, thì lễ cưới đành phải đợi đến năm sau.
Lễ cưới (Bhrớ Bhiêc) của người Cơtu tổ chức tương đối quy mô. Cũng giống như người Kinh, sau lễ cưới người Cơtu có tục đưa dâu về nhà chồng (Dơơng Acoon Chôdông CuDik). Tới đây thì phong tục cưới hỏi của người Cơtu có sự khác biệt với người Kinh ở đồng bằng. Họ có thêm một lễ nữa, được tổ chức ba năm sau lễ cưới, đó là lễ ăn Zum của  vợ chồng (Pazum). Nói là một lễ ăn Zum, nhưng thực ra phải đến hai lễ, vì trước khi có lễ ăn Zum chính thức diễn ra, phải có sự thương lượng, thường là với họ tộc và già làng, và đó là lễ định ăn Zum (Prơdăh Zum). Thực chất, lễ ăn Zum gần như là thêm một lễ cưới nữa.
Theo tập tục của xã hội người Cơtu, cha mẹ của các cô gái thích chọn những chàng trai giỏi làm việc, đã tự tạo ra được của cải, được cụ thể hóa bằng con trâu, cái ché. Nhưng trong một vài trường hợp, những chàng trai con nhà khá giả cũng có thể nhờ cha mẹ mua sắm cho những lễ vật đó. Sau khi ông mai hoặc bà mai đã thương lượng định được ngày hỏi vợ cho con mình, ngoài trầu rượu, nhà trai chủ yếu còn phải nộp cho nhà gái những cái ché. Ché này về sau sẽ thành bình chứa những đồ vật quý để dành cho vợ chồng trẻ. Đám hỏi có hàng chục người già, trẻ cùng tham dự. Còn sau khi đã chọn được ngày cưới, thì bên nhà trai phải chọn những người lớn tuổi, có kiến thức, có lý lẽ, và nhất là biết đối đáp, để đến nhà gái. Chính những người này, bằng lối hát lý, sẽ thương lượng mọi chuyện với nhà gái. Ngược lại, phía nhà gái cũng phải lo chọn những người có uy tín, có lý lẽ khôn ngoan nhất để hát lý đối đáp với phía nhà trai. Hai họ trao đổi với nhau bằng những lời hát lý như vậy quanh những ché rượu.
Vào ngày cưới, đoàn người từ nhà trai kéo đến nhà gái, mang theo những ché rượu, gạo, nếp, dắt theo con trâu, và khiêng theo cả chiếc quan tài bằng gỗ... Lễ cưới diễn ra theo đúng luật tục. Con trâu được buộc vào cây nêu trồng sẵn trước sân nhà. Mọi người dự lễ cưới đều cùng nhau nhảy múa theo nhịp cồng chiêng. Sau những nghi thức giản dị của chủ nhà (đàng gái) và của già làng, là đến lễ đâm trâu. Một người đàn ông lực lưỡng dẫn đầu đoàn nhảy múa, tay cầm cây lao nhọn, đâm vào cổ họng con trâu. Nếu chỉ đâm một lần mà con trâu ngã quỵ là điềm lành. Nếu không, đoàn nhảy múa lại tiếp tục theo nhịp cồng chiêng, theo vòng tròn, để lại tiếp tục đâm trâu, cho đến khi con trâu hoàn toàn không gượng được nữa, ngã quỵ. Thịt con trâu được xẻ ngay ra, dành một phần để nấu nướng chiêu đãi mọi người; phần thịt còn lại được đem chia đều cho mọi người trong làng của nhà gái.
Ba năm sau lễ cưới là lễ ăn Zum. Nhà gái làm thịt một con gà, nấu một mâm xôi, đặt trước bàn thờ. Cha mẹ đôi bên đều có mặt. Chủ nhà cúng vái thần linh, cầu cho vợ chồng trẻ khỏe mạnh, tự làm ra được cái ăn, sanh nhiều con cái. Sau phần lễ nghi, xôi và thịt gà được dành riêng cho vợ chồng trẻ. Họ ngồi, cùng nhau ăn, bốc thức ăn bỏ cho nhau, và cùng uống chung một bát rượu.
Sau lễ ăn Zum, người con gái từ nay phải về ở hẳn bên nhà chồng, không còn lui tới nhà cha mẹ đẻ của mình nữa. Chiếc quan tài bằng gỗ đã được nhà trai khiêng qua nhà gái trong ngày cưới trước đó chính là để dành cho cô dâu báo hiếu cha mẹ mình, vì từ sau lễ ăn Zum nàng không còn được lui tới thăm viếng, chăm sóc cha mẹ ruột của mình nữa. Rủi cha mẹ có nhắm mắt qua đời, nàng cũng không được có mặt để an ủi hoặc nghe lời trối trăng, dặn bảo. Chiếc quan tài gỗ chính là vật báo hiếu của người con gái, để cha mẹ nàng được ấm thân khi lìa đời, dù không có nàng bên cạnh.
Các già làng Cơtu kể rằng, cách đây năm, sáu mươi năm, những gia đình người Cơtu giàu có thường còn có tục tổ chức “cướp vợ”. Ngày nay, tập tục ấy đã mất hẳn.
Nguyễn Giao Thủy